Mặc dù chưa thể bảo vệ được tấm HCV như mong đợi, nhưng U22 Việt Nam cũng đã có màn trình diễn đầy hứa hẹn, HLV Troussier cũng đã trình làng một số cầu thủ đầy sáng giá cho tương lai của bóng đá Việt Nam sau này.
Tiền đạo Nguyễn Văn Tùng
Nguyễn Văn Tùng gần như là chân sút “gánh” hàng công U22 Việt Nam tại SEA Games lần này khi cầu thủ 22 tuổi đóng góp gần một nửa số bàn thắng U22 Việt Nam ghi được, 5 bàn trên tổng 12 bàn. 4 bàn ở vòng bảng và 1 tại bán kết.
Với 5 bàn thắng ghi được, Văn Tùng chia sẻ danh hiệu Vua phá lưới SEA Games với Sananta và Rahman của Indonesia.
Cầu thủ quê gốc Hà Nội cho thấy một lối chơi hiện đại với khả năng chạy chỗ chọn vị trí khôn ngoan cùng những pha dứt điểm đa dạng cả bằng chân lẫn đầu.
Bên cạnh đó, anh cũng đóng góp lớn vào lối chơi chung khi tích cực di chuyển, pressing đối thủ từ phần sân đối phương và khi cần cũng có thể lùi sâu để hỗ trợ phòng ngự với các đồng đội.
Với những gì đã thể hiện, tiền đạo thuộc biên chế Hà Nội hứa hẹn sẽ là mũi tấn công đáng gờm của các cấp độ ĐTQG Việt Nam sắp tới.
Tiền vệ Nguyễn Thái Sơn
Nguyễn Thái Sơn được xem là phát hiện lớn của U22 Việt Nam tại SEA Games lần này. Với bàn tay dìu dắt của HLV Philippe Troussier, cầu thủ thuộc biên chế CLB Đông Á Thanh Hóa là trụ cột không thể thay thế ở khu vực giữa sân, càng thi đấu anh càng cho thấy giá trị của mình.
Thái Sơn luôn chơi nhiệt huyết, di chuyển không biết mệt mỏi, mỗi trận anh thường chạy đến 10-11km và là một máy quét thật sự nơi hàng tiền vệ. Thái Sơn cũng góp công vào 1 bàn thắng trong trận đấu với U22 Singapore.
Với chỉ chỉ bảo của HLV Troussier, anh đã bình tĩnh hơn khi cầm bóng, trong khi độ máu lửa khi tranh bóng vẫn luôn bảo đảm cho chất thép của hàng tiền vệ Việt Nam.
Hậu vệ Phan Tuấn Tài
Tuấn Tài đã là một hiện tượng nổi lên từ SEA Games năm ngoái ở Việt Nam sau khi có cú tạt bóng để Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn mang về tấm HCV cho U22 Việt Nam.
Tại SEA Games lần này, cầu thủ của CLB Viettel đá ở vị trí trái sở trường là trung vệ lệch trái sơ đồ 3-4-3 của HLV Troussier. Thế nhưng, Tuấn Tài chơi cực tốt và ổn định ở vị trí này, anh là trạm trung chuyển bóng ở tuyến dưới, những đường lên bóng của U22 Việt Nam đều thường qua chân anh.
Thống kê mỗi trận đấu Tuấn Tài góp mặt, cầu thủ quê Đắk Lắk này đều là cầu thủ chạm bóng nhiều nhất trên sân.
Sáng kiến mới của HLV Troussier về Tuấn Tài có thể sẽ là lựa chọn mới cho vị trí trung vệ lệch trái của ĐTQG Việt Nam trong tương lai.
Tiền vệ biên trái Võ Minh Trọng
Võ Minh Trọng đã có 1 kỳ SEA Games thành công. Anh là sự lựa chọn khó thay thế của ông Troussier bên hành lang trái.
Kết hợp cùng với Phan Tuấn Tài, mũi khoan cánh trái của Việt Nam rất lợi hại. Thực tế trong các trận đấu cho thấy U22 Việt Nam thường dồn bóng tấn công bên cánh trái khá nhiều.
Võ Minh Trọng lên công về thủ khá nhịp nhàng, lối chơi quyết liệu khi phòng ngự và khi tham gia tấn công thì cũng rất mạnh mẽ.
Minh Trọng đã đóng góp nhiều pha kiến tạo nhất cho U22 Việt Nam tại SEA Games 32.
Điển hình là pha kiến tạo để Văn Tùng đánh đầu tung lưới Malaysia.
Tiền vệ biên phải Hồ Văn Cường
Có thể nói 2 hành lang biên của U22 Việt Nam có những màn trình diễn khá đồng đều. Tuy U22 chủ yếu khai thác hướng tấn công bên phía cánh trái, nhưng cũng có những tình huống bất ngờ Hồ Văn Cường dâng lên và tạo ra những đột biến nhất định.
Điển hình là 2 pha ghi bàn của Hồ Văn Cường trong trận đấu với U23 Myanmar. Văn Cường tại SEA Games lần này chơi rất chắc chắn và ổn định. Từ đầu giải, anh gần như được đá chính trong tất cả các trận đấu.
Càng thi đấu Văn Cường càng tiến bộ trong lối chơi của mình, nhiều tiền đạo đều im hơi lặng tiếng khi đối đầu với anh.