Quảng cáo

Thách thức lớn với điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30

Lam Lam Lam Lam
Chủ nhật, 29/09/2019 18:22 PM (GMT+7)

Điền kinh luôn là mỏ vàng của Việt Nam ở những kỳ SEA Games gần đây. Tuy nhiên, SEA Games 30 tại Phillipines sẽ rất khó để điền kinh Việt Nam lặp lại được thành tích của 2 năm về trước.

VIDEO: Lê Tú Chinh giành huy chương vàng nội dung 200m nữ SEA Games 29

SEA Games 30 tới đây, bộ môn điền kinh sẽ có đủ toàn bộ 48 nội dung thi đấu. Đây tưởng chừng như sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thống trị môn điền kinh như 2 năm trước, nhưng cũng là thách thức lớn khi các đối thủ trong khu vực đều có sự đầu tư rất lớn trong thời gian qua.

Sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh

Hiện tại, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của điền kinh nước ta là các VÐV điền kinh Thái Lan, những người nóng lòng trở lại SEA Games để đòi lại "ngôi vương" điền kinh bị mất vào tay Việt Nam. Ở kỳ đại hội 2 năm trước, Thái Lan chỉ giành được 9 HCV, chỉ bằng 1 nửa thành tích của Việt Nam. Điều này đã động chạm đến lòng tự ái của họ.

Tại kỳ SEA Games 30 tới đây, Thái Lan sẽ là đối thủ lớn nhất của điền kinh Việt Nam. Họ muốn lấy lại ngôi đầu, muốn là mạnh nhất ở những nội dung họ thi đấu. Không thể nhìn vào kết quả của SEA Games 2017 để chủ quan, bởi thực lực điền kinh Thái Lan vốn dĩ rất mạnh và họ vẫn ở vị thế hàng đầu khu vực, nếu không muốn nói là hơn điền kinh nước ta, nhất là khi họ tập trung đầu tư ráo riết như thời gian qua với quyết tâm rất cao.

Sea games 30, Việt Nam sea games 30, môn điền kinh, điền kinh Việt Nam SEA Games 30, Lê Tú Chinh

Bên cạnh đó, điền kinh Indonesia và nước chủ nhà Phillipines cũng đang dần trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Điền kinh Indonesia đang tích cực đầu tư cho các VĐV tiềm năng trẻ tuổi, với mục tiêu trở thành cường quốc ở môn điền kinh. Trong khi đó nước chủ nhà Phillipines đang chứng tỏ khao khát phá vỡ sự thống trị của Việt Nam và Thái Lan tại bộ môn này bằng việc nhập tịch hàng loạt những vận động viên tiềm năng.

Các VĐV Phillipines đã có những bước tiến vượt bậc trong thời gian vừa qua, thể hiện qua các thành tích thi đấu trên đấu trường quốc tế với một lực lượng khá hùng hậu. Đặc biệt trong số đó là 2 VĐV nhập tịch Zion Corrales Nelson và Kristina Marie Knott. Đây là 2 đối thủ của nữ hoàng điền kinh Việt Nam Lê Tú Chinh ở cự ly quan trọng 100m nữ. Thành tích của 2 VĐV này dao động từ 11 giây 41 đến 11 giây 42, tức là ngang bằng với thành tích cao nhất của Tú Chinh.

Mục tiêu 15 HCV liệu có khả thi?

Mới đây, tổng cục thể thao đã xin cắt giảm chỉ tiêu HCV SEA Games 30 ở nội dung điền kinh từ 19 HCV xuống chỉ còn 15 HCV. Tuy nhiên với sự chững lại của điền kinh Việt Nam gần đây, cùng với đó là sự tiến bộ của những nước láng giềng liệu mục tiêu 15 HCV có khả thi?

Trong khi Thái Lan và Phillipines liên tục đầu tư cho VĐV những cuộc tập huấn nước ngoài, thì các VĐV chủ chốt của Việt Nam lại không được như vậy. Đặc biệt trong đó phải kể tới nữ hoàng Lê Tú Chinh.

SEA Games 30, Việt Nam SAE Games 30, môn điền kinh, điền kinh Việt Nam SEA Games 30, Lê Tú Chinh

Lê Tú Chinh chưa thể tiếp tục chuyến "tu nghiệp" tại Mỹ theo chương trình đầu tư đặc biệt của TP HCM vì nhiều lý do khách quan, điều này khiến cho thành tích của VĐV đoàn TP. HCM không thể cải thiện. Ở giải điền kinh VĐQG, thành tích của Lê Tú Chinh chỉ đạt 11 giây 67 kém xa thành tích của 2 đối thủ cạnh tranh người Phillipines cũng như Thái Lan. Điều này hết sức đáng báo động. Nếu Tú Chinh thi đấu không thành công sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như thành tích của cả đoàn điền kinh Việt Nam.

Bên cạnh đó là việc nữ hoàng nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo vừa xin rút lui khỏi danh sách tham dự SEA Games 30 cũng là một sự tiếc nuối. Thảo “bò vàng” là đương kim vô địch Á vận hội nội dung nhảy xa nữ. Cô gần như không có đối thủ ở nội dung này. Việc thiếu vắng Thu Thảo có thể sẽ khiến điền kinh Việt Nam mất đi 1 tấm HCV.

Chính trưởng bộ môn điền kinh – ông Dương Đức Thủy cũng không tự tin vào mục tiêu 15 HCV của điền kinh Việt Nam. Phát biểu tại giải VĐQG vừa rồi, ông cho biết: “Thái Lan là đối thủ lớn nhất của điền kinh Việt Nam. Họ muốn lấy lại ngôi đầu, muốn mạnh nhất ở những nội dung họ thi đấu. Bên cạnh đó là chủ nhà Phillipines. Quả thật, để đạt được thành tích như SEA Games 29 là một điều rất khó. Chúng tôi mơ rằng có thể được 10-12 HCV ở kỳ SEA Games này.”

SEA Games 30, Việt Nam SAE Games 30, môn điền kinh, điền kinh Việt Nam SEA Games 30, Lê Tú Chinh

Nói như vậy không có nghĩa không tin tưởng vào bộ môn thế mạnh của đoàn thể thao của Việt Nam. Với những VĐV tiềm năng khác như Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào, 4x400 m nữ), Trần Yến Hoa (100m rào nữ), Vũ Thị Mến (nhảy 3 bước nữ), Nguyễn Thị Oanh (1.500m, 5.000m nữ), Nguyễn Văn Lai (5.000m, 10.000m nam), Dương Văn Thái (800m, 1.500m nam)... , chúng ta vẫn có thể hy vọng vào thành tích tốt ở bộ môn này. Tuy nhiên việc đặt mục tiêu quá cao sẽ khiến đôi chân của các VĐV trở nên nặng nề khi tham gia thi đấu.

SEA Games 30 chỉ còn 2 tháng nữa trước khi khởi tranh, cần phải có những đầu tư cụ thể và giải pháp về chuyên môn, dinh dưỡng, y tế và cả đội ngũ huấn luyện viên để bảo đảm thể trạng và duy trì, nâng cao thành tích thi đấu cho các VÐV. Kỳ vận hội tới đây sẽ là bước đệm để điền kinh Việt Nam hướng tới những sân chơi lớn hơn vào năm tới, đặc biệt là Olympic Tokyo 2020.

Tin liên quan
Bảng tổng sắp
huy chương SEA Games 32
TT Quốc gia Vàng Bạc Đồng Tổng
1 Việt Nam Việt Nam 136 105 114 355
2 Thái Lan Thái Lan 108 96 108 312
3 Indonesia Indonesia 86 81 109 276
4 Campuchia Campuchia 81 74 126 281
5 Philippines Philippines 58 86 116 260
6 Singapore Singapore 51 42 64 157
7 Malaysia Malaysia 34 45 97 176
8 Myanmar Myanmar 21 25 68 114
9 Lào Lào 6 22 60 88
10 Brunei Brunei 2 1 6 9
11 Đông Timor Đông Timor 0 0 8 8