Chỉ một chiến thắng trước Nepal ở trận đấu đầu tiên của vòng bảng sẽ đảm bảo chiếc vé vào vòng trong cho Thanh Thúy và các đồng đội.
Mục tiêu qua vòng bảng nằm trong tầm tay
Theo như kết quả bốc thăm, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ nằm ở bảng C với các đối thủ khác là Hàn Quốc và Nepal. Đây là bảng đấu vừa sức với đội tuyển nữ Việt Nam, và các cô gái của chúng ta hoàn toàn có thể giành ngôi nhất bảng nếu thi đấu đúng thực lực.
Trận đấu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam ở chiến dịch Á vận hội lần này là màn so tài với đội tuyển Nepal khoảng 13h30 ngày 30/9. Đội tuyển này không tham dự các giải đấu cấp độ châu lục và quốc tế, do đó không được xếp hạng trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB). Thông tin về đội tuyển đến từ khu vực Nam Á là tương đối hạn chế.
Hiện tại, đội tuyển Nepal dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Jan De Brandt - cựu thuyền trưởng đội tuyển bóng chuyền nữ Hungary và câu lạc bộ Fenerbahce đang tập trung và sẽ có một trận đấu tập với đội tuyển Ấn Độ tại thủ đô Kathmandu của nước này, theo NepalNews.
Cầu thủ đáng chú ý nhất của Nepal là đội trưởng Aruna Shahi chơi ở vị trí chuyền hai, đồng thời có thể đảm nhiệm vị trí chủ công nếu cần. Các cầu thủ của Nepal đều đang thi đấu trong nước.
Rất khó có thể đánh giá chính xác sức mạnh của Nepal. Có một điều khá quan trọng là ở các giải đấu thuộc khu vực Nam Á, Nepal nhận khá nhiều thất bại trước Ấn Độ hạng 65 thế giới - kém Việt Nam 25 bậc.
Do bảng C chỉ có 3 đội tranh tài, một chiến thắng trước Nepal chắc chắn đảm bảo được suất vào vòng trong cho đội tuyển Việt Nam.
Đối thủ còn lại của Việt Nam ở bảng đấu - Hàn Quốc - không phải là một cái tên xa lạ với người hâm mộ Việt Nam. Còn nhớ ở giải bóng chuyền vô địch châu Á hồi tháng trước, đội tuyển Việt Nam đã có chiến thắng lịch sử trước các cô gái đến từ "xứ sở Kim chi" với tỉ số 3-2.
Trong lần tái ngộ này, Hàn Quốc đang rất quyết tâm "phục thù". Trong một buổi trả lời phỏng vấn, phụ công Lee Da-hyeon - người từng gây sốt khắp thế giới với điệu nhảy trên nền nhạc See Tình Remix của ca sĩ Hoàng Thùy Linh và Cukak - đã khẳng định mục tiêu sẽ đánh bại Việt Nam ngay ở trận đấu đầu tiên.
Hàn Quốc đã từng là một thế lực của bóng chuyền châu Á, tuy nhiên, sau khi hai chị em sinh đôi Lee Da-yeong và Lee Jae-yeong bị cấm thi đấu, cùng việc chủ công Kim Yeon-koung giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế, thành tích của Hàn Quốc đã đi xuống rất nhiều. Dẫu vậy, Hàn Quốc vẫn sẽ là thử thách rất lớn với các cô gái của chúng ta.
Nếu như chiến thắng cả Nepal và Hàn Quốc, chúng ta sẽ có lợi thế lớn ở vòng đấu tiếp theo.
Tham vọng tiến sâu không hề bất khả thi
Tương tự như Giải bóng chuyền vô địch châu Á, tại ASIAD, các đội bóng sau khi qua được vòng bảng sẽ bước tiếp vào vòng phân hạng với thành tích ở vòng bảng được giữ nguyên. Ví dụ, Việt Nam và Hàn Quốc cùng vượt qua vòng bảng, cộng với việc chúng ta thắng Hàn Quốc, thì kết quả, điểm số, hiệu số của trận đấu này sẽ còn nguyên giá trị ở vòng trong.
Nếu vượt qua vòng bảng, chúng ta sẽ bước vào bảng E cùng đội nhì bảng C và hai đội nhất nhì ở bảng A. Đây là bảng đấu có sự góp mặt của chủ nhà Trung Quốc, Ấn Độ và Triều Tiên. Ngoại trừ trường hợp Trung Quốc quá mạnh so với phần còn lại, Ấn Độ hay Triều Tiên đều là những đội tuyển mà chúng ta có cơ hội giành được kết quả tốt.
Kịch bản đẹp nhất với đội tuyển Việt Nam xảy ra khi chúng ta toàn thắng ở bảng C và thắng tiếp một trận nữa ở bảng E, khi đó Việt Nam sẽ làm nên lịch sử với chiếc vé vào bán kết. Trong quá khứ, đội tuyển chúng ta chỉ tham dự 2 kì ASIAD năm 2006 (xếp hạng 7) tại Qatar và ASIAD năm 2018 tại Indonesia (xếp hạng 6).
Đội tuyển nữ Việt Nam đang có một năm "vàng" khi thi đấu rất thành công ở các giải đấu được góp mặt. Gần nhất, chúng ta đã xuất sắc kết thúc giải châu Á ở vị trí thứ 4 - thành tích lịch sử của bóng chuyền nước nhà. Hy vọng với bước chạy đà hoàn hảo như vậy, Thanh Thúy và các đồng đội sẽ tiếp tục tạo ra kỳ tích ở Hàng Châu, Trung Quốc sắp tới.
Không tìm thấy trận đấu nào.