Thể Thao 247 - Bùi Tiến Dũng là người mới nhất mắc một sai lầm trên không, nhưng đằng sau đó là cả một trách nhiệm 'đặc dị' của thủ môn Việt.
Nội dung chính
Ngày 22/3 vừa qua, thủ môn Bùi Tiến Dũng lại mắc sai lầm. Trong cuộc đối đầu quan trọng gặp CLB Quảng Nam, chàng thủ môn trẻ tuổi này đã có một pha ra vào không hợp lý, dẫn tới một bàn thua đáng tiếc. Đáng nói hơn, bàn thua ấy dẫn thẳng tới trận đấu mà FLC Thanh Hóa phải trắng tay rời sân Tam Kỳ. Các đồng đội thông cảm cho Tiến Dũng, nhưng anh chịu muôn vàn sức ép trên tuyển, trong bối cảnh cầu thủ này phải cạnh tranh với Văn Lâm và Tuấn Mạnh đang có phong độ rất cao.
Chống bóng bổng là căn bệnh ‘thập kỷ’ của thủ môn Việt Nam
Không phải đến thời điểm này, các thủ môn Việt Nam mới phạm sai lầm trên không. Nổi tiếng nhất là pha lao ra bất thành của Tiến Anh tạo điều kiện cho Kumar ‘đánh lưng’ ghi bàn trong trận chung kết Tiger Cup 1998, hay những tình huống ra vào rất dở của Tấn Trường, thủ môn của B. Bình Dương thời điểm hiện tại.
Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam thực sự an tâm trong không chiến. Từ Tiến Anh, Thế Anh, sau này là Tấn Trường, Bửu Ngọc đến những thủ môn hiện tại như Tuấn Linh, Nguyên Mạnh, hay những người trẻ như Phí Minh Long… họ đều có những sai lầm đáng trách ở trên không. Thế nhưng, trong đặc thù của bóng đá Việt Nam, lỗi không hoàn toàn nằm ở ‘người gác đền’.
Thủ môn Việt Nam phải gánh trách nhiệm ‘đặc dị’ của hàng hậu vệ
Trong vòng cấm (vòng 16m50) trên sân, luôn có một khung chữ nhật nhỏ ở trong. Đó là khu vực 5m50 (6 feet). Ở vị trí này, các thủ môn là bất khả xâm phạm. Bất cứ tác động nào dù là nhỏ nhất tới các thủ môn trong khu vực này đều bị coi là phạm lỗi.
Và khu vực ấy đáng lẽ ra phải là nơi hoạt động chính của những thủ môn thuần túy, những người còn được gọi là ‘kẻ cản phá’ (shot-stopper). Theo những hướng dẫn cơ bản, mọi hành động phòng ngự, đặc biệt là tranh chấp bóng bổng các thủ môn không nên vượt quá xa ranh giới này, nhưng các thủ môn Việt Nam lại khác.
Khi có bóng bổng câu vào trong vòng cấm, các thủ môn Việt Nam hầu hết đều băng ra. Họ cố gắng tấn dụng lợi thế về việc có thể dùng tay của mình để hóa giải những pha bóng nguy hiểm. Nhưng tất nhiên, với những tình huống mà đối phương khéo léo đưa bóng đủ xa để có thể ‘nhử’ những thủ môn, việc họ lỡ đà băng ra, và sau này trở thành lỗi ‘ra vào không hợp lý’ là điều xảy ra thường xuyên hơn. Các đối thủ kỵ dơ của Việt Nam thì lại đủ khôn khéo để câu bóng càng xa khỏi vòng 5m50 của đối phương càng tốt.
Vậy vấn đề của những Tiến Dũng, Tấn Trường… là gì? Đó là bởi khả năng chống bóng bổng của hàng hậu vệ Việt Nam là không tốt, và các thủ môn hiểu rõ điều đó. Họ phải băng ra để trợ giúp đồng đội, hay nói cách khác ‘gánh’ những người chốt chặn ở phía trên.
Ở giải U23 châu Á vừa qua, Bùi Tiến Dũng cũng đã có nhiều pha ra vào không thành công, đấm bóng, bắt bóng hụt trên không. Đó là bởi thủ môn này phải ‘gánh’ hộ những trung vệ thấp bé nhẹ cân như Đình Trọng hay Tiến Dũng (hậu vệ). HLV Park Hang Seo rất tinh ý, thường xuyên yêu cầu các trung vệ lùi về khung thành bọc lót cho những tình huống băng ra của chàng thủ thành trẻ, và đó là điều khiến hàng thủ của ĐT Việt Nam vững chắc đến vậy.
Ngoài ra, chẳng riêng gì hậu vệ, các thủ môn Việt Nam cũng chẳng quá cao. Tiến Dũng có thể cao tới 1m8, nhưng ở vị trí thủ môn, 1m9 mới là tiêu chuẩn cần đạt được. Đó là lý do mà khi Tiến Dũng, Minh Long băng ra, anh cũng chẳng có lợi thế hơn tiền đạo đối phương là mấy, mà còn phải rời khỏi khu vực bảo vệ thủ môn. Bửu Ngọc có thể đáp ứng chiều cao lại gặp những vấn đề về bóng sệt. Tấn Trường sở hữu những điều kiện tốt nhất cho một thủ môn lại ‘có vấn đề’ khi liên tục mắc sai lầm.
Nói như vậy là để thấy, Bùi Tiến Dũng sai lầm thật, nhưng đó là vì những thủ môn Việt Nam luôn có trách nhiệm bóng bổng cao hơn những thủ môn thông thường. Chỉ khi nào chiều cao của các trung vệ được cải thiện, chúng ta mới có thể hi vọng vào việc không phải sống trong cảnh ‘thót tim’ khi các thủ môn băng ra.