(Thethao247.vn) - Trận đấu khai mạc MSI sẽ diễn ra giữa hai thế lực Âu - Mĩ thời điểm hiện tại là Fnatic và Team Solomid
Trận đấu khai mạc của Mid-Season Invitational (MSI) sẽ diễn ra lúc 3h30′ rạng sáng ngày 8/5 theo giờ Việt Nam và sẽ được tường thuật trực tiếp trên Vietnam Esports TV. Đây là cuộc đụng độ giữa Fnatic – nhà vô địch châu Âu mới trở lại chiếc ghế quen thuộc của mình sau một mùa giải thành công ngoài sức tưởng tượng với một đội hình gồm những 4 tân binh, đối đầu với họ sẽ là Team Solomid, đội tuyển được yêu thích nhất Bắc Mĩ đã tiếp tục nối dài chuỗi ngày thống trị của mình và đang có dấu hiệu không thể bị ngăn cản ở LCS Bắc Mĩ mùa giải vừa qua. Hôm nay chúng ta hãy cùng điểm qua sức mạnh của hai đội tuyển này và những cuộc đối đầu mấu chốt trong trận chiến khai màn này.
Khi sức mạnh của Fnatic nằm ở khả năng thích ứng
Đội hình Fnatic (từ trái sang phải): Steeelback – Febiven – YellOwStaR – Reignover – Huni
Như chúng ta đã biết, Fnatic ở mùa giải qua đã có sự thay đổi gần như toàn bộ kể từ các thành viên, chỉ còn lại hỗ trợ Bora “YellOwStaR” Kim cùng các thành viên mới lần lượt là Seung-hoon “Huni” Heo, Yeu Jin “Reignover” Kim, Fabian “Febiven” Diepstraten và Pierre “Steeelback” Medjaldi. Trước khi đến với Fnatic, hầu hết họ là những tuyển thủ chưa có tên tuổi cũng như chưa được nhiều người hâm mộ biết đến. Thế nhưng có lẽ kể cả những fan hâm mộ lạc quan của Fnatic cũng không thể ngờ được, với một đội hình được đánh giá là tạm thời, thậm chí chắp vá như vậy lại có thể giành chức vô địch LCS Châu Âu mùa xuân vừa rồi.
Chưa bao giờ người ta lại thấy vai trò của đội trưởng của YellOwStaR lại đáng quý như vậy, việc anh là người duy nhất ở lại để gây dựng lại đế chế Fnatic sau cuộc tháo chạy hàng loạt của những người cũ đã là điều gì đó khá lớn lao. Cùng với sự dẫn dắt đầy kinh nghiệm của anh trong mỗi trận đấu cộng với sự thay đổi lối chơi đầy khôn ngoan và thích nghi nhanh chóng với meta, Fnatic đã tìm ra công thức chiến thắng riêng của mình và đăng quang vô cùng thuyết phục.
Góp phần lớn trong thành công của đội tuyển Châu Âu phải kể đến công sức của bốn thành viên mới, họ đã thể hiện một bộ mặt khá mới mẻ và tự tin, có phần làm ngỡ ngàng người xem và thay đổi những định kiến, suy nghĩ về Fnatic trước kia. Mùa giải này, có vẻ như Fnatic không có khái niệm tướng tủ, khi mà ở mọi vị trí trong mỗi trận đấu, họ chọn cho mình rất nhiều vị tướng khác nhau và thể hiện rất tốt, góp phần mang lại tính đa dạng, biến hóa cũng như đột biến trong chiến thuật của đội tuyển châu Âu. Không riêng gì Team Solomid, mà bất kể đội tuyển nào đối đầu với Fnatic sẽ phải nghiên cứu, chuẩn bị rất kĩ lưỡng về khâu cấm chọn nếu không muốn thua thiệt đối phương ngay khi trận đấu còn chưa bắt đầu.
Team Solomid – đã qua thời “đội tuyển một người”
Đội tuyển Bắc Mĩ giờ đây không còn là câu chuyện xoay quanh Soren “Bjergsen” Bjerg như ngày trước nữa. Trước đây, TSM thưởng chỉ tập trung toàn bộ nguồn lực họ có vào khu vực đường giữa, nhằm tạo điều kiện tối để để Bjergsen có thể gánh những người đồng đội. Kể từ khi Lucas “Santorin” Larsen gia nhập, một tân binh của LCS ở vị trí đi rừng mùa giải này và không thể không trở lại thời điểm Jang-sik “Lustboy” Ha, tuyển thủ hỗ trợ Hàn Quốc đến với TSM vào giữa mùa giải 2014, đây có thể nói là hai vụ chuyển nhượng mang tính then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công cuộc cải tổ và mang lại thành công lớn liên tục qua những mùa giải vừa qua cho Team Solomid.
Bjergsen đã không còn đơn độc nữa, khả năng gây áp lực và bảo vệ mục tiêu trên toàn bản đồ của Santorin cùng với những bước di chuyển thông minh, những tình huống đột biến đến từ Lustboy, Team Solomid đã hoàn thiện hơn rất nhiều từ lối chơi đến chiến thuật, và trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết. Họ đang được coi là thế lực mạnh nhất trong lịch sử LMHT Bắc Mĩ từ trước tới nay.
Đội hình Team Solomid (từ trái sang phải): Bjergsen – Dyrus – Lustboy – Santorin – WildTurtle
Điều này cũng giúp ích tương đối lớn cho những lão tướng như WildTurtle hay Dyrus. Mặc dù không còn quá nổi bật như giai đoạn trước kia, nhưng với sự tươi mới đến từ những tân binh, họ dường như đã được san sẻ bớt gánh nặng, áp lực mỗi khi ra sân, thi đấu thanh thoát hơn và luôn đảm bảo được sự chắc chắn cần thiết. Cũng không ít lần Dyrus có những tình huống xử lí thông minh, câu kéo thu hút sự chú ý của địch hay WildTurtle tỏa sáng với những pha “thu dọn chiến trường”, anh cũng là tuyển thủ duy nhất có Pentakill ở LCS Bắc Mĩ mùa xuân vừa rồi.
Chìa khóa chiến thắng: Febiven hay Bjergsen?
Febiven là một người đi đường giữa thiên về lối chơi sát thủ, Zed và LeBlanc đã được khóa trong 50% số trận mà anh thi đấu ở mùa giải vừa rồi (5 trận với Leblanc, 4 trận với Zed trên tổng số 18 trận) đã cho thấy phong cách của người chơi này. Anh thực sự là nỗi kinh hoàng của mọi đối thủ đối đầu với Fnatic, với khả năng sát thủ ấn tượng của mình, mỗi khi có cơ hội, việc mà anh luôn làm tốt là tóm gón được những mục tiêu đi lẻ trên bản đồ và chỉa cửa đẩy lẻ gây áp lực rất lớn lên đối phương. Vì vậy mà Febiven thường được chú trọng và giành được một vài lượt cấm đến từ đối phương, Team Solomid chắc chắn sẽ không phải ngoại lệ. Tuy nhiên lối chơi này cũng tồn tại một số yếu điểm ở những phiên bản gần đây khi mà các vị tướng đỡ đòn trở nên quá mạnh mẽ, có lẽ Febiven cần phải có một sự sửa đổi nho nhỏ trong lối chơi để thích nghi với việc này
Liệu Febiven có thể cản bước Bjergsen?
Ở bên kia chiến tuyến, đối đầu với Febiven là một đối thủ khá nặng kí, người chơi xuất sắc nhất Bắc mĩ hai mùa giải liên tiếp – Bjergsen. Tương tự như người đi đường giữa của Fnatic, kĩ năng chơi những vị tướng sát thủ của Bjergsen là không cần phải bàn cãi và đã trở thành thương hiệu của anh. Ngoài ra Bjergsen cũng thể hiện mình là một người chơi khá toàn diện khi thích ứng rất nhanh trong những phiên bản gần đây, Urgot, Cho’Gath hay Cassiopeia mà anh mang tới cũng gây khá nhiều khó khăn cho những đối thủ của TSM. Và quan trọng hơn cả, anh chính là linh hồn và gần như chiếm đến một nửa sức mạnh của đội tuyển Bắc Mĩ. Vì vậy nếu có thể chăm sóc kĩ lưỡng và khắc chế tốt Bjergsen ở khu vực đường giữa, Team Solomid sẽ yếu đi khá nhiều, Fnatic hãy nhớ lấy điều này.
YellOwStaR – Lustboy: cuộc chiến của những play-maker
Play-maker là thuật ngữ để nói về những tuyển thủ có khả năng tạo ra đột biến, điều này rất cần thiết trong những trận đấu đang cân bằng và có thể là những tình huống then chốt quyết định mang cả đội đến với chiến thắng. Trong cuộc thư hùng Châu Âu – Bắc Mĩ tới đây, đây sẽ là cuộc đấu trí giữa hai người chơi hỗ trợ là YellOwStaR và Lustboy.
Nếu như ở YellOwStaR là những vị tướng trâu bò, mạnh mẽ như Leona, Alistar hay Nautilus thì với Lustboy lại là Janna, Annie, Thresh. Tưởng chừng như đây là hai phong cách lựa chọn tướng khác hẳn nhau thì các bạn đã nhầm, hai người này đều cho thấy mình có thể chơi tốt bất kì vị tướng nào nếu chúng phù hợp với sơ đồ chiến thuật của cả đội. Kết hợp kĩ năng Tốc Biến cùng món đồ Vinh Quang Chân Chính (hoặc Bùa Thăng Hoa), không ít lần những người chơi này đã làm bất ngờ đối phương, tung ra kĩ năng khống chế mạnh vào những chủ lực chủ chốt của đối thủ, tạo tiền đề lớn mang lại lợi thế cho đồng đội.
Có thể thấy rằng, dù không phải là người chơi chủ lực nhưng cả YellOwStaR và Lustboy đều có thể tỏa sáng trong một ngày đẹp trời, qua đó mang lại lợi thế cho đội tuyển của mình, do đó không thừa khi cả hai đội tuyển cần phải để ý và kiểm soát được những người hỗ trợ “khát máu” này của đối phương.
Châu Âu và Bắc Mĩ là hai nền LMHT lâu đời và có truyền thống nhất trên thế giới. Đứng sau Hàn Quốc và Trung Quốc, hai khu vực này vẫn luôn cạnh tranh nhau rất quyết liệt và khó có thể nói chính xác ai mạnh hơn ai. Trận chiến khai màn MSI này sẽ phần nào cho chúng ta biết được điều đó. Sau một thời gian dài thay đổi, hoàn thiện bản thân, liệu đại diện của châu Âu là Fnatic hay nhà vô địch Bắc mĩ – Team Solomid sẽ giành ưu thế hơn trong cuộc thư hùng này? Các bạn hãy chờ xem!