Cesc Fabregas đã có một khởi đầu lý tưởng ở Chelsea và là mảnh ghép hoàn hảo cho đội bóng áo xanh. Tuyển thủ TBN từng được trông đợi như thế ở Barcelona 3 năm về trước, trở thành người thừa kế của Xavi cả ở Nou Camp và ĐT TBN, nhưng tiếc là điều đó chưa bao giờ thành hiện thực.
Nội dung chính
Fabregas thể hiện 2 bộ mặt trái ngược tại Chelsea và Barca
Fabregas thực ra chưa bao giờ ổn định với một vị trí nào nơi hàng tiền vệ Barcelona. Anh được đẩy cao như một "số 9 ảo" mỗi khi Lionel Messi vắng mặt, dạt ra 2 cánh nếu Xavi và Andres Iniesta đều đá chính, thậm chí đôi khi phải chơi như một tiền đạo cắm. Cuối mùa đầu tiên của anh (2011/12), Barca chỉ giành Copa del Rey, rất đáng thất vọng với tầm vóc của họ. EURO 2012 tới và TBN bước vào giải với tư cách nhà ĐKVĐ. Với hàng tiền đạo bao gồm Roberto Soldado, Fernando Torres và Fernando Llorente, HLV ĐT TBN Vicente del Bosque vẫn tiếp tục sử dụng Fabregas như một "số 9 ảo". TBN lại vô địch, nhưng Fabregas không còn cơ hội trở lại với vị trí ưa thích của anh ở đội tuyển nữa.
Thay vì thay thế cho Xavi, Fabregas đã rời Barcelona ngay cả trước khi cầu thủ này giải nghệ. Anh đã được kỳ vọng rất nhiều, trưởng thành từ lò đào tạo La Masia, lớn lên bên cạnh những ngôi sao Barca với chơi thứ bóng đá tiqui-taca từ nhỏ, nhưng mối tình của họ đã dang dở. Một lý do quan trọng có lẽ bởi nơi Fabregas thật sự học hỏi về bóng đá đỉnh cao không phải là Barca, mà là Arsenal.
Khi mới chuyển tới Barcelona, Fabregas đã nói những lời cảm ơn nồng hậu với HLV Arsene Wenger, ca ngợi ông như “người cha thứ hai” của anh. Wenger quả thật là người đã biến Fabregas thành cầu thủ như bây giờ, chứng kiến anh ra mắt thế giới chuyên nghiệp ở tuổi 16, trao cho anh băng đội trưởng CLB ở tuổi 21. Wenger tin tưởng ở Fabregas, và Fabregas đã đền đáp cho ông xứng đáng. Mùa 2010/11, anh chơi vị trí "số 10" đằng sau Robin Van Persie. Không phải bận tâm nhiều tới trách nhiệm phòng ngự, Fabregas đã tỏ ra là một nhạc trưởng xuất chúng ở Emirates, bên cạnh những đối tác trẻ trung như Jack Wilshere, Alex Song và Theo Walcott.
Mặc dù Arsenal lại vấp ngã vào cuối mùa vì những chấn thương và lịch thi đấu dày đặc ở 4 mặt trận, khiến họ trắng tay, nhưng không phủ nhận đó có lẽ là mùa hay nhất của đội bóng áo đỏ-trắng kể từ lần gần nhất họ vô địch Premier League. Mùa đó, đội bóng của Wenger cũng ghi nhiều bàn nhất từ các tình huống phản công ở giải Ngoại hạng.
Phong cách bóng đá của Arsenal được cho là gần nhất với Barcelona trong các đội Anh. Tuy nhiên, đội bóng của Wenger triển khai bóng trực tiếp và tốc độ hơn nhiều. Fabregas luôn tìm cơ hội để chọc khe ở Arsenal, điều anh không thể làm ở Barcelona, nơi các cầu thủ sẽ chuyền bóng cho tới khi nào đối phương lộ ra sơ hở ở hàng thủ. Khi còn ở Nou Camp, Fabregas thường bị cho là để mất bóng quá nhiều. Anh luôn tìm cách tạo ra đột biến, chuyền bóng ra sau hàng thủ đối phương, dẫn tới mất bóng, vì cách triển khai tấn công của Barcelona hoàn toàn khác.
Phong cách của anh không thay đổi ở Chelsea, nhưng lại giúp Fabregas thành công vang dội, bởi đội bóng áo xanh còn chơi trực diện hơn cả Arsenal, với những cầu thủ di chuyển thần tốc và dứt điểm cực giỏi từ trung lộ (Diego Costa) và cả hai cánh (Andre Schuerrle và Eden Hazard).
Tại Chelsea, Fabregas vẫn duy trì lối chơi cũ và thành công
Thêm vào đó, khi Cesc trở lại TBN, hàng tiền vệ của Barcelona đã được định hình với bộ ba Sergio Busquets, Xavi và Iniesta, cũng là những tiền vệ trung tâm hàng đầu thế giới lúc bây giờ. Fabregas đã và sẽ không bao giờ là mẫu tiền vệ thu hồi và phân phối bóng kiểu Busquets. Anh chơi giống với Xavi, điều phối nhịp điệu, chuyền bóng cho các tiền đạo dứt điểm và gây đột biến, nhưng làm sao có thể yêu cầu Xavi ngồi dự bị ở Nou Camp? Chưa HLV nào thử, hay dám thử điều đó, từ Frank Rijkaard, Pep Guardiola tới Luis Enrique.
Không có gì ngạc nhiên với phong độ mà Fabregas đang thể hiện ở Chelsea hiện giờ. Tài năng của anh là điều ai cũng biết. 94 trận của anh cho ĐT TBN ở tuổi 27, trong thời hoàng kim của La Roja khi mà những người cùng trang lứa như Juan Mata, Raul Garcia, Santi Cazorla phải ngồi dự bị dài dài nói lên nhiều điều. Tuy nhiên, cũng ở ĐT TBN, Fabregas chơi nhiều trận từ ghế dự bị, dẫu anh thường là người có ảnh hưởng rất lớn: Ghi bàn từ chấm phạt đền trong trận chung kết EURO 2008, chuyền đường quyết định ở trận chung kết World Cup 2010 và có vai trò lớn ở chức vô địch EURO 2012.
Ở Chelsea, HLV Jose Mourinho còn để Fabregas tự do ở vị trí mà anh chơi hay nhất, một vai trò đâu đó giữa người điều phối, "số 8", và "số 10". Sự luân chuyển vị trí liên tục của anh với Oscar, Schuerrle và Hazard cũng khiến lối chơi tấn công của Chelsea sinh động và hiệu quả hơn hẳn. Đã tìm lại phong độ tốt nhất, Fabregas sẽ là mắt xích quan trọng nhất trong tham vọng chinh phục Premier League và Champions League của Chelsea mùa này, chứ không chỉ còn là một người đóng vai phụ như ở Barcelona nữa.