Thể Thao 247 - Nhắc tới Huỳnh Đức là nhớ tới sự dũng mãnh với những cú bứt tốc thần sầu, những pha dứt điểm cháy phá và cả những khoảnh khắc ăn mừng mang tính biểu tượng.
Nội dung chính
Thethao247.vn xin giới thiệu nhân vật tiếp theo trong loạt bài những Quái kiệt sân cỏ Việt Nam, tiền đạo lừng danh một thời Lê Huỳnh Đức.
Video: Huỳnh Đức và thế hệ vàng bóng đá Việt Nam. Nguồn: VTC
Sinh ra để làm 'sát thủ'
Bây giờ, muốn trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp thì phải được đào tạo từ 10-11 tuổi, khác hẳn so với thời ngày xưa của những Hồng Sơn, Công Minh... Nhưng khác với nhiều anh em thế hệ cùng thời, Lê Huỳnh Đức là một trong số ít những cái tên đã được định hướng theo đuổi nghiệp 'quần đùi áo số' từ khá sớm.
Năm 12 tuổi, Huỳnh Đức đã bộc lộ những tố chất hiếm có giúp anh được nhận vào đội trẻ của QK7. Sau một thời gian mài giũa những kỹ năng của một tiền đạo, anh đầu quân cho Công An TP.HCM.
Đúng thời điểm tiền đạo số 1 Việt Nam thời bấy giờ - Nguyễn Cao Cường quyết định treo giày, Huỳnh Đức mới được đôn lên đội 1 của CLB Công an TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, tài không đợi tuổi, cái tên Lê Huỳnh Đức nhanh chóng trở thành phát hiện mới của bóng đá Sài Gòn. Chính anh là nhân tố quan trọng giúp đội bóng ngành công an ‘đánh đâu thắng đó’ tại giải A1 toàn quốc vào những năm 1990.
Với thể hình thuộc dạng ‘của hiếm’ của bóng đá quốc nội (cao đến 1m78), Huỳnh Đức được triệu tập vào ĐTQG dưới thời HLV Karl-Heinz Weigang tham dự SEA Games 18. Ngay lập tức anh cùng các đồng đội gây sốc tại sân chơi khu vực khi mang về tấm Huy chương Bạc cho bóng đá VN, Đức lúc đó đá cặp với Trần Minh Chiến. Sau đó trong suốt gần một thập kỷ, người đá cặp với Đức trên hàng tiền đạo lần lượt thay tên: Trần Minh Chiến, Văn Sỹ Hùng, Vũ Công Tuyền, Huỳnh Hồng Sơn… nhưng còn anh thì vẫn trụ lại.
Kể từ Seagames 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan), Lê Huỳnh Đức đã tạo lập cho mình một bộ sưu tập các danh hiệu cá nhân mà cho đến bây giờ, chưa có được cầu thủ nào của bóng đá Việt Nam có thể sánh kịp. Phải kể đến 3 danh hiệu Quả bóng Vàng (1995, 1997, 2002), 3 Quả bóng Bạc (1998, 1999, 2000), 2 lần là ‘Vua phá lưới’ giải VĐQG các năm 1996 và 1997.
Video: Huỳnh Đức ghi bàn vào lưới đối thủ như đá tập
Nói tới Huỳnh Đức, người ta không thể nào quên những pha đi bóng, bứt tốc đầy tốc độ. Một tiền đạo luôn có những pha dứt điểm cháy lưới đối phương và không thể nào quên được những cú bay người đánh đầu thành bàn thuộc hàng kinh điển. Mẫu tiền đạo dũng mãnh, ăn mừng như điên dại ấy đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ.
Thời đỉnh cao, người ta gọi Lê Huỳnh Đức là ông Vua khu vực cấm địa. Mùa giải nào anh cũng không làm người hâm mộ thất vọng, những bàn thắng mà Huỳnh Đức ghi được mỗi mùa lúc nào cũng ít nhất 2 con số. Không chỉ trở thành nỗi khiếp sợ với các đội bóng trong nước, anh còn mang đến nỗi ám ảnh cho rất nhiều đội bóng trong khu vực. 14 bàn thắng ghi được ở các kỳ Tiger Cup, AFF Cup đã giúp anh trở thành một trong những chân sút xuất sắc nhất lịch sử giải đấu.
Ông Vua của những danh hiệu và kỷ lục
Người ta có thể gọi Huỳnh Đức với rất nhiều biệt danh, đó có thể là ông Vua vòng cấm địa, một 'sát thủ của khu vực'... và thêm một danh hiệu nữa có thể đặt tên cho Huỳnh Đức, đó là ông Vua của những kỷ lục và danh hiệu.
Huỳnh Đức là chủ nhân của bộ sưu tập đồ sộ nhất Việt Nam về số danh hiệu đã đạt được. Trong sự nghiệp của mình, anh có 1 lần vô địch Quốc Gia, 1 cúp Quốc gia, 2 lần Vua phá lưới, 3 lần giành Quả bóng Vàng, 3 lần giành bóng bạc. Là cầu thủ lập kỷ lục dự đủ 5 kỳ Tiger Cup liên tiếp, từ năm 1996 đến 2004.
Ở cấp độ đội tuyển, Huỳnh Đức có 2 tấm HCB SEA Games, 1 HDB và 2 HCĐ Tiger Cup. Khi trở thành một HLV, anh cũng 2 lần vô địch cùng với SHB Đà Nẵng trong các năm 2009 và 2012. Những danh hiệu kể trên khiến anh được mệnh danh là ông vua danh hiệu trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Người mở đường ra nước ngoài thi đấu
Lê Huỳnh Đức có thể coi là cầu thủ đầu tiên mở ra cánh cửa xuất ngoại với cầu thủ Việt vào năm 2001. Anh sang Trung Quốc chơi bóng cho CLB Lifan Chongqing qua một thỏa thuận hợp tác giữa Lifan và đơn vị chủ quản của anh là Công an TP HCM.
Tại đây, Huỳnh Đức không để lại nhiều dấu ấn đậm nét khi chỉ có 4 lần được ra sân thi đấu. Một số cầu thủ khoác áo Lifan khi đó đã nhận xét về Huỳnh Đức thế này: "Tôi không hề có ấn tượng gì về Lê Huỳnh Đức, dù chúng tôi đã gặp nhau hai lần trên sân đấu. Lần đầu vào năm 1999, khi đội tuyển Olympic Trung Quốc đến Việt Nam dự Dunhill Cup. Lần thứ hai là ở vòng loại Cup châu Á (Asian Cup) năm 2000. Theo tôi, kỹ thuật của Đức không xuất sắc, nhưng tốc độ của anh ta khá nhanh. Trình độ của đội tuyển Trung Quốc và Việt Nam khác nhau nên không thể so sánh Đức với các tiền đạo Trung Quốc" - đó là nhận xét của Li Wei Feng, hậu vệ quen thuộc của đội tuyển Trung Quốc những năm 2000.
Bao giờ mới có Huỳnh Đức thứ 2?
Mẫu tiền đạo cao to, giỏi săn bàn thì bóng đá Việt Nam không thiếu. Có thể kể đến như những Việt Thắng hay Anh Đức. Tuy nhiên nếu nói về những đóng góp cho đội tuyển quốc gia thì không ai có thể sánh kịp bằng Huỳnh Đức.
Anh Đức cao to, ghi bàn nhạy bén nhưng lên tuyển lại kém duyên, chơi không thành công. Việt Thắng có nhiều đóng góp như thực sự chưa quá nổi bật để đem ra so sánh với Huỳnh Đức.
ĐTVN sau này có Lê Công Vinh, người cũng lừng danh trong khu vực với lối chơi thông minh và tinh quái. Tuy nhiên mẫu cầu thủ dũng mãnh và cá tính như Huỳnh Đức thì chưa thể thấy lần thứ hai.
Bây giờ người ta ví Đức Chinh như 'Huỳnh Đức đệ nhị', thế nhưng để trở thành một biểu tượng và đạt được tới sự thành công như vậy quả thực rất khó.