Đó là nghịch lý của đội bóng luôn thuộc top đầu về số lượng cầu thủ đóng góp cho đội tuyển quốc gia trong nhiều năm qua.
VIDEO: Highlights HAGL 2-1 SHB Đà Nẵng (Nguồn: VTV6)
Năm 2015, HAGL trình làng đội bóng hoàn toàn mới, với sự ‘lột xác’ được cho là ngoạn mục của bầu Đức. Lứa cầu thủ U19 Việt Nam năm 2014 được đôn lên đá V-League, song song với đó là bán đi gần hết trụ cột của đội bóng ở những mùa giải trước đó. Một quyết định táo bạo, được khá đông người hâm mộ khi ấy đồng tình. Nhưng 1-2 mùa giải sau đó, người ta biết bầu Đức đã đi nước cờ sai. 5 năm sau, họ vẫn ở trong cuộc chiến mang tên “trụ hạng”.
Khởi đầu mùa giải đầu tiên của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… như một giấc mơ. Họ giành chiến thắng 4-2 trước Khánh Hoà, trong ngày mà Công Phượng lập cú đúp, Xuân Trường và Tuấn Anh mỗi người đóng góp một bàn thắng.
Thế nhưng trong cuộc đua đường trường, những cầu thủ chỉ mới 19, 20 tuổi không có chút kinh nghiệm nào đã nhanh chóng cho thấy sự non nớt. Đến vòng 21, HAGL đứng bét bảng với chỉ 3 chiến thắng, thua 13 trận. HLV Graechen bị bay ghế, ông Nguyễn Quốc Tuấn lên thay. Cuộc đua trụ hạng năm ấy HAGL đã thành công với 3 chiến thắng trong số 5 trận còn lại.
Mùa giải 2016, 2017, 2018 rồi 2019, các cầu thủ HAGL trưởng thành theo thời gian. Kinh nghiệm chơi bóng ở đấu trường chuyên nghiệp nhiều hơn, các cầu thủ từ việc khoác áo cấp độ U23 cũng lên ĐTQG luôn thuộc top đầu trong số các CLB thi đấu ở V-League.
Thế nhưng chưa bao giờ đội bóng phố Núi có được sự ổn định.
Sự thiếu ổn định được biểu hiện rõ nét nhất ở trên băng ghế huấn luyện. Mùa giải 2015, HLV Graechen chỉ giữ ghế được đến cuối mùa. Sau đó HLV thủ môn Nguyễn Quốc Tuấn lên thay cũng phải rút lui ở thời điểm mà HAGL lao vào cuộc chiến trụ hạng. Về sau này, Dương Minh Ninh cũng không thể ngồi lâu trên ghế của mình. Đến mùa 2019, HLV Lee Tae-hoon, một người Hàn Quốc được kì vọng lên thay.
5 mùa thay 4 HLV, HAGL không có sự ổn định trên băng ghế huấn luyện. Mỗi khi lao vào cuộc chiến trụ hạng, phương án bầu Đức chọn là “thay tướng, đổi vận”. Và họ đã khá thành công với phương án ấy. HAGL trụ hạng thành công ở 4 mùa giải liên tiếp. Nhưng đó có vẻ không phải là cách làm đúng.
Năm nay, HAGL dưới sự dẫn dắt của Lee Tae-hoon tiếp tục ‘sứ mệnh’ trụ hạng. Có thời điểm, vì không còn tin vào đội nhà, CĐV HAGL đã mang băng rôn, biểu ngữ đòi hỏi sự thay đổi từ phía lãnh đạo đội bóng phố Núi.
5 năm đã qua, có những lúc người ta tin tưởng HAGL sẽ cạnh tranh cho chức vô địch, nhưng đó chỉ là những suy nghĩ viển vông. Thực tại đang chỉ ra rằng, nếu cứ tiếp tục duy trì những thứ đang diễn ra, HAGL khó lòng lọt top đầu trong vòng 1 vài năm tới.
HAGL không thiếu cầu thủ giỏi, cái họ thiếu là chiến lược phát triển dài hơi.
Ngay từ thời điểm bầu Đức thanh lý gần hết đội hình đá V-League 2014, đã có hai luồng dư luận về quyết định này. Và không phải đến bây giờ người ta mới nhận ra đó là nước cờ sai của bầu Đức.
Một đội bóng trẻ măng, không có những người đồng đội kinh nghiệm dẫn dắt, phải căng mình thi đấu hết mùa giải này đến mùa giải khác, đó là những gì mà HAGL đã trải qua trong 5 năm qua.
Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… nở rộ tài năng sớm hơn Quang Hải hay Duy Mạnh, Văn Hậu, nhưng họ thi đấu ở hai môi trường khác nhau, và kết quả thu về cũng… rất khác.
Trong khi Quang Hải không đạt phong độ tốt, anh lập tức phải ngồi dự bị. Những cầu thủ khác, đủ kinh nghiệm và trình độ khoả lấp được vị trí cầu thủ này để lại. Cũng vì thế mà Quang Hải được nghỉ ngơi nhiều hơn, chịu áp lực cũng ít đi.
Ngược lại, các cầu thủ HAGL phải căng mình thi đấu hết vòng này đến vòng khác, nhóm cầu thủ trụ cột gần như không được nghỉ ngơi, trừ phi dính chấn thương. Hệ quả của điều này là tài năng của họ không còn được phát triển đúng với tốc độ được kỳ vọng.
Mô hình mà HAGL lựa chọn để phát triển có thể nói là khá “độc” nếu đem so sánh với bóng đá thế giới. Ít có CLB nào đôn tất cả các cầu thủ trẻ lên thành đội 1 để thi đấu ở cấp độ cao nhất của một giải VĐQG. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm và tài năng trẻ đã mang đến cho Hà Nội trái ngọt, còn HAGL thì chưa.
5 năm lo trụ hạng, đó đúng là nghịch lý của đội bóng luôn thuộc top đầu về số lượng cầu thủ đóng góp cho đội tuyển quốc gia trong nhiều năm qua.