Cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên đã đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam tại SEA Games năm nay, khi trở thành nữ VĐV đầu tiên giành được tấm HCV môn bơi lội sau 54 năm (từ SEAP Games đầu tiên vào năm 1959).
Nội dung chính
Với những thành tích tiến bộ vượt bậc trong năm qua, kình ngư người Cần Thơ quả thực không có đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua tới danh hiệu cao quý nhất: Vận động viên tiêu biểu của năm 2013.
Làm nên lịch sử
Việc vượt qua 70 ứng viên trong danh sách đề cử VĐV từ sự giới thiệu của các Nhà báo, Bộ môn thuộc Tổng cục TDTT, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia với số điểm rất cao (917 điểm), cho thấy đây là một kết quả hoàn toàn xứng đáng với cô Trung úy trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên. Ở cuộc bầu chọn năm 2012, Ánh Viên đứng thứ nhì sau Phan Thị Hà Thanh của môn Thể dục dụng cụ.
Có thể nói, chuyến tập huấn dài ngày tại Mỹ có kinh phí lên tới hơn một tỷ đồng mà Tổng cục Thể dục thể thao và Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam tạo cơ hội trong năm 2013 chính là bệ phóng cho một loạt thành tích sau đó của Ánh Viên. Những thành tích cụ thể của Ánh Viên bao gồm: 11 HCV, hai HCB, phá bảy kỷ lục tại giải bơi vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á 2013; sáu HCV tại Đại hội Thể thao Học sinh Đông Nam Á 2013; ba HCV, một HCB tại Đại hội Thể thao trẻ Châu Á 2013 với những thông số tiệm cận châu lục; một HCV tại Đại hội Thể thao Võ thuật và Trong nhà châu Á. Đặc biệt, việc giành tới ba tấm HCV và phá hai kỷ lục SEA Games, đóng góp vào thành tích năm HCV cho đội tuyển bơi lội Việt Nam, tại SEA Games 27 vừa qua và cũng là kỳ SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp của mình, đã đưa cô thượng úy trẻ tuổi lên ngôi vị “Nữ hoàng” đường đua xanh Đông Nam Á.
Ánh Viên tại SEA Games 27
Ba HCV cá nhân của kình ngư 17 tuổi giành được tại Trung tâm thể thao dưới nước Wunna Theikdi (Nay Piy Taw, Myanmar) ở các nội dung: 200m hỗn hợp nữ với thành tích hai phút 16 giây 20; 400m hỗn hợp nữ với thành tích bốn phút 46 giây 16; 200m ngửa nữ với thành tích hai phút 14 giây 80. Trong khi đó, hai kỷ lục SEA Games mới của Ánh Viên được lập sau khi vượt qua Tao Li (Singapore), người giành HCV 100m ngửa, 100m bướm và hai HCV tiếp sức 4x200m tự do, 4x100m hỗn hợp. Ở nội dung 400m hỗn hợp trong ngày thi đấu cuối cùng, chỉ sau 200m đầu, Viên đã bỏ xa người thứ nhì gần 15m, và đến 300m thì khoảng cách đã là hơn 20m (gần nửa bể). Sự kiện này cũng đã đưa Ánh Viên trở thành cô gái đầu tiên của Việt Nam giành đến ba HCV tại SEA Games 27.
Chứng kiến những thành tích ấn tượng của Ánh Viên, ông Đinh Việt Hùng, Trưởng bộ môn bơi Tổng cục TDTT, phải thốt lên rằng: “Ánh Viên đã chứng tỏ sự tiến bộ đáng kinh ngạc. Chỉ trong chưa đầy một năm, cô đã trở thành hiện tượng của bơi lội Việt Nam và Đông Nam Á. Nếu không bị ảnh hưởng từ chứng tiêu chảy trong hai ngày trước thì có lẽ Viên đã có thể đoạt đến năm HCV”. Đấy là còn chưa kể tới việc Ánh Viên bị mất chiếc HCV oan ức ở cuộc đua ở cự ly 100m bơi ngửa nữ vào chiều 14-12. Theo camera cá nhân của HLV Đặng Anh Tuấn, Tao Li của Singapore đã phạm luật khi qua hẳn vạch 15m mới nổi lên trên mặt nước nên mới có thể về nhất với thành tích một phút hai giây 47, trong khi Ánh Viên thi đúng luật và đạt thành tích một phút hai giây 76.
Cô gái làm thay đổi Bản đồ bơi Đông Nam Á
Ở kỳ SEA Games 26, số HCV mà các VĐV bơi Việt Nam giành được chỉ đạt mức 5,2 %. Thế nhưng, ở Myanmar kỳ này, Việt Nam đã khiến Singapore bị mất thế độc tôn ở sân chơi khu vực với 15,6% tỷ lệ vàng đạt được. Bằng chứng cho những con số trên là việc số nhà vô địch SEA Games của Việt Nam năm nay đã tăng lên ba, nhiều hơn hai so với kỳ trước, trong đó ấn tượng nhất là màn thể hiện của cô gái vàng Nguyễn Thị Ánh Viên. Ánh Viên là tay bơi duy nhất trong số 16 nội dung bơi nữ giành được ba HCV cá nhân. Ngay cả nữ kình ngư Tao Li của Singapore từng đoạt bảy HCV ở SEA Games trước cũng chỉ giành được hai HCV cá nhân và hai HCV tiếp sức ở lần này, trong đó có một nội dung cô thắng chưa thật sự thuyết phục trước Ánh Viên. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự xuất sắc của Lâm Quang Nhật và Nguyễn Quý Phước. Thành tích vô địch 1.500m của tay bơi 16 tuổi của TP HCM, Lâm Quang Nhật cũng hứa hẹn mở ra hướng đầu tư mới cho bơi lội Việt Nam.
Như chia sẻ của Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, Hoàng Vĩnh Giang cho biết, ở các kỳ SEA Games trước, Việt Nam chỉ cần giành được một HCV là có thể tự hào lắm rồi, nhưng kỳ này ta giành được tới tận năm HCV thì “thật là mở mày mở mặt”, nhất là khi được các quan chức Liên đoàn thể thao Đông Nam Á khen ngợi “Việt Nam bơi giỏi thế?”
Quả thật, sự tiến bộ vượt bậc của bơi Việt Nam đã khiến cho thành tích của các đoàn trong khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là đảo quốc sư tử. Bộ đôi kình ngư Joseph Schooling (nam) và Tao Li (nữ) dù có xuất sắc đến đâu cũng không thể cứu vãn thế độc tôn của quốc gia mình khi tổng số HCV của họ bị tụt từ 17 xuống còn 11. Việt Nam ban đầu không được đánh giá cao nhưng đã bất ngờ vươn lên đứng thứ ba khu vực, ngang với Indonesia về số HCV và gần tiếp cận vị trí thứ hai (bảy HCV) của đoàn Thái Lan. Mục tiêu trở thành cường quốc ở khu vực của bơi lội Việt Nam chắc chắn sẽ không còn xa nếu các tài năng của chúng ta được đầu tư đúng hướng.
Từ một cô bé “rái cá”…
Xuất thân trong một gia đình thuộc vùng quê nghèo khó giữa miền sông nước Cửu Long, tuổi thơ của Ánh Viên rất đỗi bình dị. Trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của tuổi già nhưng vẫn ánh lên niềm hãnh diện, ông Nguyễn Văn Tới-ông nội của Ánh Viên, tự hào kể: “Cha mẹ Ánh Viên (anh Nguyễn Văn Tác và chị Nguyễn Thị Ánh Hồng) đều là nông dân, quanh năm lo việc đồng áng nên môi trường sinh ra và lớn lên của Ánh Viên là giữa vùng sông nước. Lên năm tuổi, Viên rất hiếu động và thích nghịch nước. Để phòng trường hợp rủi ro, tôi đã quyết định dạy cho cháu nội tập bơi ngay tại chính con rạch Ba Cao trước nhà. Ban đầu khi xuống nước, nó sợ co hết tay chân và kiên quyết đòi lên bờ. Thế mà, chỉ hơn một tuần sau, con bé đã có thể tự bơi được vài ba mét”. Giống như một người huấn luyện viên đầu tiên của cháu gái, kể từ đó, hễ có thời gian rảnh là ông Tới ra sông tập bơi cho Ánh Viên. Ông Tới cũng chính là người chứng kiến sự phát huy nhanh lẹ đến mức ngạc nhiên của cô cháu nội.
…đến dị nhân làng bơi Việt Nam
Giờ ở tuổi 17, Ánh Viên hiện đang sở hữu thân hình của một người mẫu: cao 1m72, nặng 53kg và sải tay dài đến 1m98. Chính tố chất trời cho này đã giúp Ánh Viên trở thành mũi nhọn của thể thao Việt Nam. Sải tay của ngư người Cần Thơ thậm chí chỉ thua huyền thoại bơi của Mỹ, Michael Phelps đúng bốn cm.
Năng khiếu bơi của Ánh Viên được phát huy từ năm cô học lớp năm. Giành vị trí hàng đầu tại Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) cấp huyện Phong Điền, Ánh Viên được chọn vào thi đấu tại HKPĐ cấp thành phố và tiếp tục giành vị trí thứ nhất. Thành tích này được xem là chiếc cầu nối đưa Viên đến với đội tuyển bơi lội của Trung tâm TDTT Quốc Phòng 4 (Quân khu 9) sau khi cô lọt vào tầm ngắm của các tuyển trạch viên ở đây. Con đường VĐV thể thao chuyên nghiệp đến với Ánh Viên từ đây.
Tại SEA Games 27, Ánh Viên đăng ký thi đấu tám cự ly và giành được ba HCV, hai HCB và một HCĐ. Đặc biệt, ở nội dung 200m ngửa nữ, với thành tích hai phút 14 giây 80, Ánh Viên đã phá kỷ lục cũ hai phút 15 giây 73 của VĐV Indonesia. Còn ở nội dung 400 mét hỗn hợp nữ, với thành tích bốn phút 46 giây 16, Ánh Viên đã phá kỷ lục bốn phút 50 giây 88 của VĐV Thái Lan. Tính từ năm 2007 đến tháng 8-2013 Ánh Viên đã giành được 142 huy chương tại tất cả các giải đấu trong và ngoài nước, trong đó có 78 HCV, 46 HCB và 18 HCĐ…
Hướng ra “biển lớn”
Ba HCV với hai kỷ lục SEA Games, trong đó có một kỷ lục phá rất sâu, sân chơi Đông Nam Á với Ánh Viên giờ chỉ còn là chuyện nhỏ. Đích nhắm trước mắt của kình ngư 17 tuổi là chinh phục sân chơi châu Á và sau đó hướng ra biển lớn ở giải thế giới (Olympic 2016 và đặc biệt là ASIAD 2019 trên sân nhà Việt Nam). “Tôi muốn số HCV của mình tại kỳ SEA Games sau sẽ tăng lên con số năm. Tôi sẽ cố gắng tập luyện để được đi dự Olympic trẻ và Asiad. Tôi cũng muốn cải thiện hơn nữa thành tích của mình ở nội dung 200 mét ngửa và 400 mét hỗn hợp”, Ánh Viên hạ quyết tâm.
Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn hiện đang tiếp tục hành trình tập luyện ở CLB bơi St Augustine (bang Florida, Mỹ) sau khi được Tổng cục TDTT, Hiệp hội Thể thao dưới nước, thể thao Quân đội và địa phương Cần Thơ phối hợp đầu tư mạnh với khoản tiền lên tới 200 nghìn USD (khoảng bốn tỷ đồng). Đây là đợt tập huấn tại Mỹ lần thứ ba của Ánh Viên. Lần đầu tiên cô được đi Mỹ và cũng là đột phá của bơi Việt Nam vào thời điểm đầu năm 2012, ngay sau SEA Games 26. Đợt tập huấn thứ hai bắt đầu từ đầu năm 2013.
Lại thêm một năm xa nhà vào đúng dịp Tết, Ánh Viên sẽ không thể dự lễ tôn vinh VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam mà cô nhiều khả năng được bầu chọn là người xuất sắc nhất. Tại Florida, Ánh Viên sẽ có cơ hội tốt để tiếp cận những điều kiện khoa học kỹ thuật tốt nhất. Bên cạnh đó, cô cũng sẽ có dịp cọ sát với những kình ngư hàng đầu thế giới của tuyển bơi Mỹ.
Trải qua một năm thi đấu khá bận rộn, nhưng theo HLV Anh Tuấn, năm 2014 mới là năm trọng điểm với Ánh Viên, bởi cô sẽ tham dự nhiều giải đấu quốc tế quan trọng, bao gồm cả những giải nằm trong hệ thống Grand Prix. Cụ thể, vào tháng 6 tới, Ánh Viên sẽ tranh tài tại giải bơi Vô địch Đông Nam Á tại Singapore. Tiếp đến vào tháng 8, Ánh Viên sẽ dự Olympic trẻ châu Á tại Nam Kinh (Trung Quốc). Đến tháng 9 tại Incheon (Hàn Quốc), Ánh Viên sẽ tiếp tục bước vào tranh tài ở đấu trường quan trọng nhất năm là ASIAD 2014.
Hoài Thu