Một sáng đầu xuân năm 2010, tôi đi qua đường Thăng Long (quận Tân Bình, TP. HCM). Trước cái sân rộng của Bảo tàng Không quân, có hơn chục chàng trai đang giăng hàng tập quyền dưới sự hướng dẫn của một ông già. Ông cởi trần, mặc quần dài đen, thắt đai trắng, dáng cao thanh thoát, mái tóc cắt ngắn bạc trắng, nước da đỏ au lốm đốm vết mồi, động tác mẫu thì nhanh nhẹn, dứt khoát.
Võ sư Trần Tiến (người đứng đầu) cùng các môn sinh luyện quyền thuật.
Tò mò, tôi dừng lại cùng mấy người đứng xem. Có ai đó hỏi người bên cạnh: Đoán thử tuổi võ sư? Bảy lăm. Tám mươi. Tám lăm… Không ai đoán trúng cả. Thật bất ngờ, câu giải đáp: võ sư đã 100 tuổi. Thật tráng kiện, đẹp lão! Đó là võ sư Trần Tiến, Chưởng môn Nội gia võ đạo Việt Nam, đứng hàng đầu trong số 23 võ sư thặng thừa thời nay. Lúc nghỉ, lão võ sư vừa ra ngồi ghế đá ở rìa sân, có người đã nhanh chân đến bên cụ, hỏi một câu khá bất ngờ: “Thưa, chắc cụ chẳng có bệnh chi?”. Cụ cười hiền, nheo nheo mắt, bỗng đứng phắt dậy, đập tay “đét” vào ngực mình mà bảo: “Đánh mạnh như vầy, nhưng tôi đâu có đau. Tôi sẽ chết vì cơ quan bị lão hóa thì có, chứ đâu chết bệnh tật gì.”
Lạ nữa, cụ nói đặc giọng Bắc. Tất nhiên, tôi cũng sán lại bên cụ. Rồi biết tôi là người Bắc mới vô, cụ hỏi quê ở đâu, nghe tôi nói cụ vui vẻ bảo: “Vậy là gặp được đồng hương rồi! Ngoài Bắc Giang, bác còn một quê nữa, Hải Phòng. Sài Gòn là quê thứ ba”. Cụ tỏ ra ân cần với đồng hương, mời tôi có dịp đến nhà chơi, địa chỉ ở đường Nguyễn Văn Mái, quận Tân Bình.
Vài ngày sau, tôi đến thăm nhà võ sư Trần Tiến. Cụ ở trong một căn nhà nhỏ đơn sơ, có phần cô quạnh. Trên vách phòng làm việc treo kín những khung kính, lồng trong đó chủ yếu là các tấm ảnh đen trắng từ thời xa xưa. Vách còn treo nhiều cờ, bằng khen của các đại hội võ thuật toàn quốc và tấm huy chương vàng danh dự của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Qua câu chuyện suốt một buổi chiều, tôi bỗng hiểu ra: một thế kỷ đời người là sự trải nghiệm vô cùng phong phú, khi cụ bôn ba khắp bán đảo Đông Dương và một số nước vùng Đông Nam Á với bao vinh quang, cay đắng của nghiệp võ, ruốt cuộc đến cuối đời chỉ giữ lại cho mình một chữ “Tâm” ngời sáng…
Võ sư Trần Tiến sinh ngày 4/2/1911 tại Cầu Vòng (Yên Thế, Bắc Giang). Thân phụ từng tham gia cuộc Khởi nghĩa Yên Thế. Năm 1913 khi lãnh tụ Hoàng Hoa Thám bị Pháp giết, nghĩa quân bị đàn áp, thân phụ phải đổi họ (ban đầu họ Hoàng), mang cả nhà lánh ra Đồ Sơn, Hải Phòng. Được cha dạy võ từ năm lên 7 tuổi, Trần Tiến tỏ ra rất có năng khiếu, tiến bộ rất nhanh.
Ngày đó cha được thuê giữ một kho đường cát. Bỗng tối hôm ấy có ba lính Pháp đột nhập định cướp kho. Cha con Trần Tiến chống trả quyết liệt, song sao địch lại ba tên sức vóc to khỏe như trâu. Giữa lúc nguy khốn, có một nhà sư áo nâu sồng nhảy vào, bằng các cú đánh nhanh như tia chớp, cả ba tên cướp đều bị dính đòn bỏ chạy. Rồi nhà sư xoa đầu chú bé Trần Tiến ngợi khen sự gan dạ và hẹn nếu muốn luyện võ phòng thân thì đến Đồ Sơn cổ tự.
Nhà sư chính là võ sư Võ Giang Nam, một cao thủ Thiếu Lâm Nam phái ở Vân Nam, Trung Quốc đang bị quân Nhật truy lùng nên dạt xuống Việt Nam lánh nạn. Từ đó, ngày ngày Trần Tiến đến chùa học võ Thiếu Lâm, thầy cũng rất mừng khi thu nạp được một trò linh lợi. Nhưng cái đói nghèo thì vẫn đeo đẳng cậu võ sinh bé bỏng.
Một hôm thấy đệ tử vận đòn phát khí mà chân run, tay lỏng, thầy ra mặt giận, Trần Tiến phải thưa thật: từ sáng đến giờ con chỉ được ăn một bát cháo loãng. Võ sư cho trò nghỉ sớm và đến thăm nhà, đúng lúc thấy cha con đang xì xụp húp cháo, cái nồi đã trống không.
Buổi tập hôm sau, thầy bảo các võ sinh khác hơn tuổi Trần Tiến ngồi nán lại và nói: Ta muốn mỗi buổi tập các con hãy góp cho hiền đệ của các con một ổ bánh mì hoặc bát cơm đầy; điều tối thượng của võ đạo chính là tình thương đồng loại. Đó cũng là bài học nhập môn đầu tiên của Trần Tiến.
Được vài năm, sư phụ biết mình lâm bệnh, không sống được bao lâu nữa, đã chủ động chia tay học trò về nước. Đêm ấy trăng rằm sáng vằng vặc, đệ tử xếp bằng trước sân chùa ngồi nghe thầy dặn dò lần cuối. Bỗng sư phụ cầm con dao cắt vào ngón tay mình, máu nhỏ ròng ròng, nói: Các đòn thế độc ta đã dạy các con cũng là con dao bén này, nó có thể làm hại các con. Ta muốn các con biết sự lợi hại của võ thuật mà phòng tránh nó, chứ không phải dùng đến nó.
Sư phụ về nước được ít lâu, các trò nhớ thầy lặn lội sang Vân Nam tìm, thì thầy vừa vào cõi trước đó ít bữa. Người nhà thầy kể: từ hôm về, thầy đem phân phát gia sản của mình cho dân làng, rồi nhịn ăn, chỉ uống nước trắng ngồi thiền.
Trước lúc lâm chung, thầy có ý chờ học trò từ Việt Nam sang, và căn dặn khi thầy chết thiêu xác, nửa tro cốt đem rải trước chùa Thiếu Lâm, còn nửa đem về rải trên biển Đồ Sơn. Trần Tiến và đồng liêu nghe vậy đều bật khóc, chợt ngộ ra một điều: với thầy cái tâm nhân ái mới chính là điểm tựa sâu xa của võ học.
Trần Tiến còn thụ giáo nhiều sư phụ nữa, học cả nhu thuật và kiếm thuật của võ sĩ đạo Nhật Bản, từ đó tổng hợp lại thành những đòn thế độc đáo của riêng mình. Ở tuổi ngoài hai mươi, do gặp một sự cố trên đất Hải Phòng, anh phải giã biệt cha mẹ vào Nam lánh nạn. Đang thời đỉnh cao võ thuật, cũng là một cách để kiếm sống, anh thường lên sàn thi đấu.
Những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, Trần Tiến mau chóng trở thành ngôi sao võ thuật Đông Dương, đoạt nhiều giải trong trong nước và quốc tế, tổ chức ở Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines… Danh nổi như sóng cồn, anh còn được mời quảng cáo cho một hãng giày lớn.
Đầu năm 1944, có giải quyền thuật tự do ở Singapore, anh lần lượt hạ hết các đối thủ vòng ngoài, chung cuộc gặp Tiểu Lâm Xung võ sĩ người Sing gốc Hoa. Các chỉ số về chiều cao, cân nặng của võ sĩ này đều hơn Trần Tiến. Trong cuộc họp báo, Tiểu Lâm Xung thề sẽ hạ đo ván đối thủ để trả thù cho các đồng môn.
Trận đấu quy định 8 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, không mang áo giáp bảo vệ, chỉ bị cấm đánh xòe tay, còn những đòn cùi trỏ, đầu gối đều được sử dụng. Trước đêm thượng đài, đại diện của hãng giày quảng cáo đi cửa sau đến gặp Trần Tiến, truyền mệnh lệnh của chủ là phải thắng, bởi chủ đã đặt cược vào anh, còn nhiều kẻ có máu mặt trong giới cá cược và truyền thông đều nghiêng về võ sĩ Singapore.
Tiểu Lâm Xung lên đài mặc quần ngắn, áo thun bó sát khoe cơ bắp cuồn cuộn, thị uy bằng cách liên tiếp dùng bàn tay chặt vỡ những tấm ván dày 5 phân. Anh ta còn hất hàm hỏi đối thủ là có làm được vậy không? Trần Tiến im lặng. Tiểu Lâm Xung càng khiêu khích: Thế thì tự xin thua trước đi!
Tiếng cồng xung trận vang lên, Tiểu Lâm Xung lập tức tung đòn tới tấp, Trần Tiến bình tĩnh né tránh. Hắn ra Hổ quyền, anh dùng Hầu quyền đối lại; hắn tung Xà quyền, anh khống chế bằng Hạc quyền. Bốn hiệp trôi qua. Võ sĩ Việt tuy chưa dính đòn nhưng bị trọng tài trừ điểm vì ít tấn công. Hiệp năm. Đang thế thượng phong, Tiểu Lâm Xung trong lúc đắc ý bị hở sườn, Trần Tiến chỉ chờ có vậy, cúi thấp trườn như một con rắn, tung đòn “Xà vương phún khí” bật ngược cùi tay trúng hạ bộ đối thủ. Tiểu Lâm Xung rú lên, đổ sập xuống sàn bất tỉnh.
Cả khán đài sững sờ. Chính Trần Tiến cũng sững sờ, không hiểu sao mình lại ra đòn hiểm đến vậy. Rồi anh lặng người cúi xuống xem Tiểu Lâm Xung bị thương ra sao, miếng bảo vệ vùng hạ bộ anh ta đã văng đi. Các trọng tài hội ý. Trần Tiến vô tình ra đòn xấu, song trong quyền thuật tự do chuyện này cũng không phạm luật, nên phần thắng về anh.
Khi trọng tài chính định cầm một tay anh giơ cao, trong khoảnh khắc vinh quang đó, Trần Tiến bỗng lùi lại, một động tác làm kinh ngạc cả khán đài: chắp tay, tự nhận thua trước trọng tài và đối thủ vừa hồi tỉnh. Rồi anh lặng lẽ rời võ đài trong tiếng cười hả hê của những kẻ được cược, còn người bầm gan tím ruột chính là ông chủ hãng giày, vừa tuột khỏi tay kẻ do ông ta bảo trợ tấm huy chương vàng và món tiền thưởng lớn.
Suốt đêm đó, Trần Tiến không ngủ, trở dậy thắp hương trước bàn thờ sư phụ. Lời thầy còn văng vẳng: người luyện võ khi dụng võ chỉ biết mỗi mục đích chiến thắng là hạng võ phu; con hãy cố tìm cách khống chế, thu phục đối phương chứ tuyệt nhiên không được hạ sát họ…
Mờ sáng hôm sau, bỗng có ba huynh trưởng trong đoàn võ Singapore đã đến gặp Trần Tiến, chuyển lời của đại sư phụ, mời anh thăm võ đường của họ. Tới nơi, anh cảm thấy bối rối khi 300 võ sinh kính cẩn khoanh tay thành hai hàng danh dự đón chào. Và vị đại sư phụ người Sing râu tóc bạc phơ ân cần nói với khách: Cảm ơn con đã cho chúng ta một trận đấu đẹp! Tiểu Lâm Xung cũng bước ra, cầm tay Trần Tiến tiếp lời thầy: Lúc bị dính đòn tỉnh dậy, tôi chỉ muốn giết chết anh, nhưng hành động nghĩa hiệp của anh đã cho tôi một bài học nhớ đời.
Từ đó Trần Tiến không thượng đài thêm lần nào nữa, chỉ chuyên chú vào việc truyền dạy lớp trẻ và viết sách về võ thuật. Cách mạng Tháng 8/1945 nổ ra, Trần Tiến hăng hái đi theo cách mạng. Rồi những năm chống Mỹ, cứu nước, trong biên chế của Binh chủng Đặc công, ông là thầy dạy võ thuật cho bao chiến sĩ đặc công. Nước nhà thống nhất, ông về hưu với quân hàm Đại tá và lập ra Thiếu Lâm nội gia quyền, tiền thân của võ phái Nội gia võ đạo Việt Nam. Võ phái của ông có hàng ngàn môn sinh, có cả người quốc tịch Pháp, Thái Lan, Singapore…
Ngày 21/2/2011, võ sư Trần Tiến trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 101 tuổi. Vị trưởng lão ra đi nhẹ nhàng, thanh thoát trong sự thương tiếc của bao người. Ngày nay, môn sinh của cụ vẫn miệt mài tập luyện, với tâm nguyện lưu truyền mãi môn võ học chân chính, cao thượng của người thầy huyền thoại.