Thể Thao 247 - Quản lý bóng đá ở nước ta đôi khi kỳ cục lắm. Người làm thì ít, kẻ phá thì nhiều. Ấy thế mà lạ thật! vài năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam cứ liên tiếp ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế. Thế rồi còn lạ ở chỗ, bỗng đâu lại xuất hiện một thế lực đòi "chấn hưng" với "phục hưng" bóng đá Việt. Chấn hưng cái gì? Phục hưng cái gì? Đã có cái thời nào mà bóng đá Việt Nam lập nhiều chiến công, kỳ tích trên trường quốc tế đến vậy?
Đã bao giờ bóng đá trẻ của chúng ta sòng phẳng, hiên ngang với vị trí á quân châu lục? Đã bao giờ nước ta có một lứa U19 được góp mặt vào ngày hội danh giá nhất thế giới của bóng đá trẻ? Đã bao giờ người ta nghĩ Futsal Việt Nam đủ tư cách tham dự World Cup?
Lạ thật, thế mà người ta cứ giơ cao cái lá cờ "chấn hưng".
Còn lạ hơn và sốc hơn, đó là sự việc xảy ra ngay trước thềm đại hội VFF. Điều thực sự khiến cho những ai quan tâm nghiêm túc đến bóng đá Việt chắc chắn không khỏi giật mình... Đó là những phát ngôn mới đây nhất của Bầu Đức nhắm thẳng đến cá nhân Bầu Tú.
Bầu Đức là người có tâm với bóng đá, nói được làm được. Nhiều người cho rằng, từ sau sự cố bầu Kiên, thì bầu Đức chính là người giữ lửa cho bóng đá nước nhà. Ông nói nhiều, nhiều đến mức người ta gọi ông là Đức "nổ". Chẳng sao, ông nói nhiều và cũng làm được nhiều cho bóng đá nước nhà. Công tâm mà nói, Bầu Đức đã chi ra những khoản tiền khổng lồ, để ươm mầm cho nhiều lứa trẻ của lò đào tạo HAGL, nuôi các đội bóng V.League... rồi đến cả Lào League nữa. Năm mà bầu Đức "dấn thân" vào VFF, truyền thông nước ta đã ghi nhận rằng: đó là lần đầu tiên trong lịch sử, bộ máy lãnh đạo VFF có một “đại gia ngàn tỉ” đúng nghĩa. Khi đó, ông là người giàu thứ nhì Việt Nam, mà quan trọng hơn, ai cũng phải ghi nhận sự hào phóng của ông dành cho bóng đá. Về số tiền mà bầu Đức đã chi vào bóng đá, nếu muốn tìm hiểu nghiêm túc, đơn giản là người ta chỉ cần lên các mặt báo và thống kê lại các con số.
Bầu Đức ồn ào và nhiệt huyết. Bầu Tú ngược lại, chưa bao giờ gây náo nhiệt trên truyền thông. Chuyện bầu Đức đi xem bóng đá bằng máy bay riêng, hào phóng treo thưởng tiền tỷ là sự thật. Còn bầu Tú đi xem futsal bằng chiếc xe cũ của công ty, thưởng cầu thủ bằng bữa cơm ông tự đi chợ, tự nấu nướng cũng là việc thường xuyên. Thôi thì mỗi người một tính, nhưng bầu Đức cuồng nhiệt với bóng đá và HAGL bao nhiêu... thì Bầu Tú cũng ân cần, nâng niu bóng đá và Futsal bấy nhiêu. Chẳng ai thống kê được cụ thể rằng Bầu Tú đã chi bao nhiêu cho bóng đá, ông chưa bao giờ nói về điều đó. Chỉ biết rằng, bầu Tú bền bỉ với cả những thứ "xương xẩu" và ít được quan tâm nhất của bóng đá Việt.
Có một thực tế là Futsal và bóng đá nữ Việt Nam đang ngày một hoàn thiện và mang đậm dấu ấn của Bầu Tú. Họ kín tiếng, mà đúng ra là cũng chẳng có điều kiện để dính đến những chuyện “thị phi". Bởi lẽ dù thành công đến đâu, họ vẫn bị coi là "thị trường ngách", là người con thứ của bóng đá nước nhà. Trước đây rất nhiều người thắc mắc rằng tại sao, ông Tú lại đem "tài sản" của mình đầu tư vào bóng đá, mà lại đầu tư vào những "dự án" kém tiềm năng nhất trong nền bóng đá ở Việt Nam? Tài sản ở đây không chỉ là tiền, với những người giàu có như họ, thời gian mới thực sự là thứ vô giá. Không lẽ ông Tú "dại"?
8 năm qua bóng đá nữ Việt Nam không thể vô địch SEA Games. Chức vô địch SEA Games 2017 ghi dấu một thế hệ cầu thủ mới. Và đằng sau thế hệ đó là 7 năm liên tiếp giải VĐQG nữ được chăm lo bởi duy nhất 1 bàn tay và hầu bao của Bầu Tú. Đằng đẵng từng đó thời gian, Thái Sơn Bắc của bầu Tú đứng ra tài trợ cho sân chơi nữ. Nói về tiền, thì con số mấy chục tỷ cũng chẳng bõ bèn gì so với khối tài sản mà các ông bầu khác bỏ ra cho bóng đá. Nhưng cái thiệt thòi của người làm bóng đá nữ thì không phải ai cũng hiểu. Lý do tại sao 7 năm gánh phần khó, vẫn chưa có ai chung tay làm bóng đá nữ với bầu Tú?
Thật ra cũng vì bởi cái "dại" đó mà nhiều người nể phục bầu Tú. Nhận lời ngồi ghế nóng VPF khi được các cổ đông tín nhiệm vì trung lập và tâm huyết, đồng nghĩa với việc bầu Tú phải bỏ dở việc làm ăn để chuyển ra Hà Nội. Bước đầu thì giải đấu cũng đã tìm được tài trợ mới, khi những nhà tài trợ của mùa giải cũ đã bỏ cuộc chơi. Các giải U15, U17 QG vốn là bệ phóng cho nhiều cầu thủ U23 hiện nay cũng đã thi đấu bằng kinh phí của bầu Tú trong suốt 8 năm qua.
Rồi đến chuyện ĐT Futsal Việt Nam đánh bại Nhật Bản ở tứ kết giải châu Á, Bầu Tú cùng các học trò ghi tên mình vào vòng chung kết thế giới. Mấy ai nghĩ được họ tiếp tục tạo ra một cột mốc mới khi vào tới vòng đấu loại trực tiếp của giải đấu này. Mà cũng oái oăm, nhiều người lại cho rằng cái mất lớn nhất của bầu Tú và các học trò lại đến từ chính sự nổi tiếng bất đắc dĩ đó.
Nói vậy để thấy, Bầu Đức và Bầu Tú đều là tài sản quý hiếm của bóng đá Việt. Tuy cách thể hiện có khác nhau, nhưng họ đều là những người có tâm với bóng đá, đủ lực và quan trọng họ đều là những người có tư duy làm bóng có chiều sâu, chú trọng đào tạo trẻ. Buồn là sau phát ngôn của Bầu Đức, cơ hội để họ có thể ngồi lại với nhau là không nhiều. Ấy là thiệt thòi trông thấy cho bóng đá nước ta. Dễ hiểu cho những hoài nghi của bầu Đức, về việc bầu Tú liệu có thể làm tốt khi đảm đương nhiều chức vụ hay không? có gây hại cho bóng đá Việt Nam hay không? Đấy là hoài nghi về tương lai, chứ quá khứ và hiện tại đều cho thấy Bầu Tú là 1 người có công lớn với bóng đá Việt, và cái đáng quý là ông trách nhiệm đến cùng với những vị trí mà mình nhận lời đảm nhiệm. Chuyện cái ghế "phụ trách tài chính" nói cho đúng cũng là gánh nặng mà có lẽ chính bầu Đức là người là người từng nếm trải, và cũng từng xin rút lui. Hiểu 1 cách tích cực, thì có lẽ Bầu Đức thực sự lo lắng cho khả năng hoàn thành nhiệm vụ của bầu Tú.
Sau những phát ngôn của mình, Bầu Đức để ngỏ khả năng quay lại với VFF, Bầu Tú giữ thái độ im lặng, và không muốn bình luận gì. Về chuyện của nhiệm kỳ VIII, bầu Tú cho rằng đó là chuyện của tương lai, hiện tại việc của ông là tập trung lo cho V.League bởi giải đấu đã đi vào hoạt động.