Một mùa giải đầy biến động một lần nữa đã khép lại và cho thấy cả những mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Lịch thi đấu thách thức mọi đôi chân
V-League 2023/2024 bắt đầu ‘vội’ trong lần đầu tiên giải đấu này chuyển thể thức mới, tổ chức vắt năm đúng theo hệ thống của các giải VĐQG chuyển nghiệp trên thế giới bấy lâu nay đã áp dụng.
Ban đầu, mùa giải diễn ra suôn sẻ, các vòng đấu cách nhau với một tần suất hợp lý, những đội bóng có thể dễ dàng tính toán, vừa đảm bảo cầu thủ được chơi bóng và vừa giữ thể lực.
Tuy nhiên, một lần nữa quãng nghỉ cho ĐTQG và các đội tuyển trẻ đã khiến lịch thi đấu V-League trở thành cửa ải cho đôi chân của các cầu thủ.
Quãng nghỉ đáng chú ý nhất là khi U23 Việt Nam tham dự U23 Châu Á 2024. Quãng nghỉ đến 1 tháng này cùng với việc V-League phải kết thúc đúng như dự kiến khiến các đội bóng thi đấu với tần suất 3-4 ngày/ trận trong suốt gần 2 tháng cuối. Cầu thủ bị bào mòn đến ‘sức cùng lực kiệt’.
Ngay lập tức, sự phàn nàn đã đến và cuối cùng VPF đã phải chỉnh sửa, mùa giải tới sẽ chỉ nghỉ cho ĐTQG, nghỉ cho ĐTQG cũng phải ngắn ngày hơn và tất nhiên sẽ không nghỉ vì bất cứ giải trẻ nào.
Có VAR, công văn cho các trọng tài đã ít hơn
V-League đã ‘chào hàng’ VAR từ mùa giải năm ngoái. Thế nhưng, đến năm nay VAR mới được hoàn thiện tốt hơn và cũng đã phổ biến rộng rãi hơn. Trong 7 trận đấu mỗi vòng, ít nhất sẽ có 3 và thậm chí là 4 trận được sử dụng VAR.
VAR thực sự đã là cứu cánh dành cho các trọng tài. Từ ngày có VAR, diễn biến hấp dẫn, đáng chú ý nhất của trận đấu phần lớn chỉ xoay quanh vấn đề chuyên môn, các quyết định của trọng tài ít bị lôi ra mổ xẻ. Công văn mà các CLB gửi đến để phàn nàn, ‘bắt phạt’ trọng tài này, trọng tài kia cũng không có quá nhiều.
VAR đúng nghĩa là đã mang đến sự công bằng hơn trong từng trận đấu. Mùa giải tới, VAR dự kiến sẽ được áp dụng trong cả 7 trận mỗi vòng. Đây là một dấu hiệu không thể nào vui hơn cho V-League.
Thêm một mùa bóng bất ngờ và hấp dẫn cho chức vô địch
Không thể không nhắc tới dấu ấn chuyên môn ở mùa giải năm nay, ngôi vương V-League lại đổi chủ.
Nam Định vô địch theo một cách vừa bất ngờ và không bất ngờ. Bất ngờ là khi từ đầu mùa nếu nói Nam Định có thể lên ngôi thì ít ai có thể nghĩ đến. Dù họ đầu tư mạnh mẽ, thay máu lực lượng nhưng vẫn còn đó 3 ông lớn như Hà Nội, Viettel và CAHN.
CAHN vẫn tiếp tục bổ sung nhiều cầu thủ chất lượng, Viettel có độ chín của những cầu thủ tự đào tạo như Hoàng Đức, Đức Chiến. Hà Nội cũng quyết tâm làm lại sau một mùa giải không thành công.Nam Định lọt vào top 3 đã là một dấu ấn đáng khen ngợi rồi.
Tuy nhiên, đến khi Nam Định thắng như chẻ tre từ vòng này qua vòng khác thì việc họ lên ngôi không có gì bất ngờ. Nam Định có bộ đội ngoại binh Hendrio và Rafaelson chất lượng bậc nhất V-League. 31 bàn là con số khủng khiếp mà Rafaelson có được ở mùa giải năm nay. Bên cạnh đó, sự ổn định của những nội binh như Nguyên Mạnh, Thanh Hào, Văn Toàn,... cũng là tiền đề để giúp Nam Định thi đấu bùng nổ. Chức vô địch đến với thành Nam sau 39 năm là kết quả hoàn toàn xứng đáng.
Một nét chấm phá trong cuộc đua vô địch không thể không nhắc đến là Bình Định. Tưởng chừng đội bóng đất Võ sẽ phải rất chật vật vì đầu mùa họ chia tay loạt trụ cột, đổi nhà tài trợ, đổi cả tên. Dàn cầu thủ cũng chẳng có mấy ai là sao số.
Thế nhưng, HLV Bùi Đoàn Quang Huy đã biết lắp ghép nhân sự và áp dụng một chiến thuật cực kì hợp lý để biến Bình Định thành đội bóng khó chịu bậc nhất V-League. Lối chơi phòng ngự, chuyển đổi trạng thái nhanh và sự sắc sảo của bộ đôi tiền đạo Alan và Leo Arthur đã mang đến cho Bình Định thành công ngoài mong đợi. Tất cả những ông lớn như Hà Nội, CAHN, Viettel và Nam Định đều phải thất bại trước Bình Định. Nếu có thể giữ được lực lượng này, Bình Định cũng là một cái tên rất đáng xem ở mùa giải tới.