Sự thất bại của Apple trong dự án ô tô điện cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đang thực sự vượt lên trước các đối thủ.
Mới đây, tờ báo tài chính Nikkei Asia đã có bài viết phân tích về sự vươn lên của các hãng xe Trung Quốc trong bối cảnh Apple vừa từ bỏ dự án ô tô điện được cho là tham vọng nhất đến từ gã khổng lồ công nghệ Mỹ, với hàng tỷ đô la đã được đổ vào quá trình phát triển trong thập kỷ qua.
Apple thất bại trong dự án xe điện đầy tham vọng
Khi Apple lần đầu tiên tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua xe điện, Elon Musk đã tỏ ra không mấy tin tưởng.
“ Chúng tôi luôn gọi đùa Apple là ‘Nghĩa địa Tesla ’,” CEO của Tesla trả lời phỏng vấn tờ báo Handelsblatt của Đức vào năm 2015. “ Nếu bạn không thành công ở Tesla, bạn hãy đến làm việc tại Apple. ”
“ Họ đã thuê những người mà chúng tôi đã sa thải ,” Musk nói.
Thực tế, thời gian đã chứng minh một phần trong lời nói của Musk là đúng: Phát triển xe điện rất khác so với phát triển điện thoại thông minh và các thiết bị khác.
Musk nói: “ Ô tô rất phức tạp so với điện thoại hoặc đồng hồ thông minh. “Bạn không thể chỉ đến một nhà cung cấp như Foxconn và nói, ‘Hãy chế tạo cho tôi một chiếc ô tô .’”
Một thập kỷ sau, Apple đã từ bỏ tham vọng xe điện của mình, ngay cả khi nỗ lực đạt đến trung hòa carbon trên toàn cầu tạo điều kiện thuận lợi cho sự “bành trướng” của các phương tiện không phát thải. Sự ra đi của Apple nhấn mạnh những khó khăn to lớn trong việc đưa xe điện ra thị trường.
Nguyên nhân Apple từ bỏ dự án xe điện
Đầu tiên, xe điện yêu cầu mức độ an toàn mà điện thoại thông minh không yêu cầu. Apple đã cố gắng tạo ra một phương tiện tự hành hoàn toàn, một lĩnh vực công nghệ xa lạ đối với hãng. Vì vậy, quá trình phát triển xe điện gặp phải hàng loạt sự chậm trễ.
Trên hết, xe điện đang chứng tỏ chúng cũng gây ra tổn thất đáng kể.Ngoài thép và nhôm được sử dụng để chế tạo thân xe, xe điện còn yêu cầu tài nguyên khoáng sản nhiều gấp sáu lần so với các loại xe chạy bằng xăng, bao gồm lithium, niken, coban và mangan. Những khoáng sản này không thể được khai thác và chế biến nếu không huy động nhiều lao động và ít nhiều gây ô nhiễm.
Các khoáng sản được tìm thấy cũng phân bố không đều ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ. Sự bùng nổ xe điện không chỉ đẩy giá khoáng sản lên cao mà còn gây gián đoạn với việc đảm bảo nguồn nguyên liệu thô.
Tập đoàn Mercedes-Benz đã từ bỏ kế hoạch chỉ bán xe điện vào năm 2030. Nhà sản xuất ô tô Đức cho rằng nhu cầu mua xe đang chậm hơn, nhưng lý do thật sự nằm ở những thách thức trong việc phát triển phương tiện và mua sắm vật tư.
Với giá trị vốn hóa thị trường là 2,8 nghìn tỷ USD, Apple là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hãng đã không thể vượt qua những “bức tường” để gia nhập hàng ngũ các nhà sản xuất xe điện.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Đi tắt đón đầu
Ngay khi Apple bước vào lĩnh vực kinh doanh xe điện, Trung Quốc đã đón nhận thách thức này như một dự án cấp quốc gia. Chính phủ Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động sáng kiến "Made in China 2025" nhằm tìm cách hiện đại hóa ngành công nghiệp và biến quốc gia này thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao.
Trung Quốc đang trong quá trình cố gắng phát triển nền kinh tế và cải thiện môi trường, vì vậy xe điện đã được chỉ định là ngành công nghiệp cốt lõi.
Gặt hái thành quả
Theo Nikkei Asia, sau 10 năm, có lẽ Trung Quốc đang bắt đầu được hưởng “trái ngọt”.
Trung Quốc đã học tập được các công nghệ tiên tiến bằng cách thành lập liên doanh với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc tại quê nhà. Ngoài ra, đất nước tỷ dân còn sở hữu trữ lượng lớn coban và lithium.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc BYD đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ nhờ cơ sở hạ tầng sản xuất trải dài từ vật liệu pin đến lắp ráp xe thành phẩm.
Trung Quốc đã tích cực xuất khẩu xe điện, bất chấp những lời chỉ trích về việc bán phá giá từ các quốc gia phương Tây. Nhà nước đang đi đầu trong việc thúc đẩy sự phổ biến của xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Tương lai của xe điện sẽ đi về đâu?
Với sự rút lui bất ngờ của Apple, sự chú ý toàn cầu hiện đang tập trung vào tương lai của thị trường xe điện.
Thực tế, ngành công nghiệp ô tô đã trải qua nhiều đợt bùng nổ xe điện mỗi khi xảy ra khủng hoảng dầu mỏ hoặc bổ sung các quy định về môi trường. Sự bùng nổ giảm dần nhanh chóng do thiếu cơ sở hạ tầng sạc. Hoa Kỳ đã mở rộng các khoản trợ cấp hào phóng để dần đáp ứng được nhu cầu này.
Năm ngoái, doanh số bán xe điện đạt 1 triệu chiếc ở Mỹ nhưng đang chậm lại nhanh chóng. Ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về việc liệu xe hybrid và plug-in hybrid có phải là những lựa chọn thực tế hơn hay không.
Một cái nhìn rộng hơn trên toàn cầu đặt ra câu hỏi có bao nhiêu khu vực thực sự cần xe điện.
Ở Brazil, ô tô chạy bằng ethanol làm từ mía đã trở thành phương tiện phổ biến. Cái gọi là phương tiện sử dụng nhiên liệu hỗn hợp xăng và ethanol chiếm phần lớn nhu cầu. Hầu như không có chỗ cho xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản do Toyota Motor dẫn đầu đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì những gì được coi là sự đón nhận chậm chạp của họ đối với xe điện. Giờ đây, những thách thức xung quanh xe điện đã trở nên rõ ràng, đây là cơ hội để Nhật Bản cuối cùng cũng bắt kịp cuộc đua.
Nhưng như Apple đã chứng minh, việc chen chân vào thị trường sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.Bối cảnh thay đổi liên tục trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang gây áp lực lên Nhật Bản trong việc áp dụng chiến lược xe điện ở cấp quốc gia.