Hiện tại, quốc gia tỷ dân đang có số lượng bằng sáng chế liên quan tới công nghệ sạc xe điện nhiều nhất trên thế giới.
Các công ty Trung Quốc đã nộp nhiều đơn đăng ký bằng sáng chế liên quan đến sạc xe điện và dịch vụ đổi pin hơn các đối thủ từ bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo báo Nikkei Asia, nước này được xem là đang dần đạt được những bước tiến trong các công nghệ giúp trải nghiệm sạc xe điện nhanh hơn và thuận tiện hơn.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã nộp 41.011 đơn xin cấp bằng sáng chế trong lĩnh vực này tính từ năm 2010 đến năm 2022, theo báo cáo của công ty phân tích Patent Result có trụ sở tại Tokyo.
Tuy có rất ít công ty Trung Quốc có số bằng sáng chế vượt trội, nhưng việc sở hữu số lượng công ty lớn trong lĩnh vực này đồng nghĩa với việc lượng đơn đăng ký cao hơn.
Theo đó, con số này nhiều hơn khoảng 50% so với các công ty Nhật Bản, đứng thứ hai với 26.962 đơn.
Hiroto Suzuki, quản lý tại văn phòng công ty tư vấn Arthur D. Little ở Tokyo, cho biết: “Thị trường xe điện đã nhanh chóng hình thành ở Trung Quốc, dẫn đến sự cạnh tranh ngày một lớn giữa các công ty.”
Đức là nước xếp thứ 3 với 16.340 đơn xin cấp bằng sáng chế, tiếp đến là Hoa Kỳ với 14.325 và Hàn Quốc với 11.281.
Con số thực tế có thể còn cao hơn, vì thường mất khoảng một năm rưỡi trước khi các đơn xin cấp bằng sáng chế được công khai.
Trên thực tế, Trung Quốc từng xếp sau Nhật Bản, Đức và Mỹ cho đến năm 2015. Doanh số bán xe điện và xe hybrid của nước này đã tăng sau khi chính phủ triển khai các khoản trợ cấp rộng rãi vào năm 2013, từ đó thúc đẩy sự gia tăng số lượng bằng sáng chế liên quan đến sạc xe điện.
Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước dẫn đầu thế giới về số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế hàng năm vào năm 2016.
Đến năm 2019, Trung Quốc tiếp tục trở thành nước dẫn đầu thế giới về tổng số đơn đăng ký (kể từ năm 2010).
Nhiều công ty Trung Quốc có xu hướng tập trung vào việc tăng tốc thời gian sạc, một bước quan trọng để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi xe điện. Trong số các đơn đăng ký bằng sáng chế của họ, 17% liên quan đến công nghệ sạc nhanh và 10% liên quan tới công nghệ giúp đổi pin - cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1-3% của các quốc gia như Nhật Bản, Đức và Mỹ.
Các lĩnh vực trọng tâm khác được quan tâm nghiên cứu liên quan đến việc thiết kế và kiểm soát các trạm sạc, truyền tải điện năng cũng như sạc không dây.
Đáng chú ý, việc sạc pin nhanh có khả năng gây xuống cấp pin, điều này đã khiến các công ty Nhật Bản tiếp cận công nghệ này một cách thận trọng do lo ngại về an toàn.
Ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc xác định được nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với sự đổi mới này và đã thể hiện sự nhiệt tình đối với nó. Hồ sơ bằng sáng chế của họ thường liên quan đến việc tăng điện áp pin để đẩy nhanh quy trình sạc.
BYD, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc giữ vị trí thứ 9 về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế, đã thông báo vào năm 2021 rằng họ hiện đang trong quá trình phát triển nền tảng ô tô có công suất 800 vôn có khả năng đi được 150 km chỉ với 5 phút sạc.
Hãng xe Hyundai của Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu công nghệ tương tự.
Ngoài sạc nhanh, các doanh nghiệp của đất nước tỷ dân còn là thế lực đi đầu ở lĩnh vực hoán đổi pin, một giải pháp thay thế cho sạc nhanh. Theo đó, trong số 1.028 đơn xin cấp bằng sáng chế của Aulton New Energy Automotive (một công ty Trung Quốc), 96% liên quan đến việc hoán đổi pin.
Những tiến bộ trong việc duy trì hoạt động của ô tô điện dường như đang thúc đẩy doanh số bán hàng. Loại phương tiện này chỉ chiếm 2% doanh số bán xe con tại Nhật Bản trong năm tài chính 2022, nhưng lại lên tới 20% ở Trung Quốc.
Hơn 5 triệu xe điện đã được bán ở Trung Quốc vào năm 2022, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Các công ty Nhật Bản thực tế đã tập trung vào các công nghệ nền tảng hơn như mạch chuyển đổi năng lượng và truyền tải điện năng. Số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế của Nhật Bản đạt đỉnh điểm vào năm 2012, trước khi xe điện trở nên phổ biến.
Tuy vậy, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota vẫn dẫn đầu khi đứng độc lập. Hãng đã nộp đơn xin 208 bằng sáng chế về sạc không dây, nhiều hơn gấp đôi so với thương hiệu đứng thứ hai là Hyundai.
Theo Nikkei Asia