Các nhà sản xuất ô tô châu Âu tỏ ra lo ngại về tác động tiêu cực của quy định tăng thuế lên ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lợi bất cập hại từ quyết định tăng thuế với ô tô Trung Quốc của EU
Theo hãng thông tấn Reuters, quyết định của Ủy ban Châu Âu áp đặt thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu, vì một cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn hại không chỉ đến hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc mà còn cả việc nhập khẩu xe hơi sản xuất tại Trung Quốc.
Đặc biệt, các nhà sản xuất ô tô của Đức có rất nhiều thứ để mất ở Trung Quốc, và thông báo mới của EU đã khiến họ lo lắng về một quyết định mà CEO của BMW, Oliver Zipse, mô tả là "đi sai hướng".
Thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc lên đến 38,1% - tương đương với hàng tỷ euro - sẽ được áp dụng từ tháng 7, nhưng điều đó có khả năng không ngăn cản các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu vì họ vẫn có thể tạo ra lợi nhuận.
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc giữ im lặng sau khi thông báo về thuế được đưa ra, nhưng hãng xe điện Nio cho biết rằng mặc dù họ phản đối quyết định này, cam kết của họ đối với thị trường xe điện ở châu Âu vẫn không thay đổi.
Ngoài ra, BYD và Chery của Trung Quốc đã công bố kế hoạch sản xuất ô tô tại châu Âu, điều này sẽ giúp hãng “né’ được thuế ô tô nhập khẩu.
Will Roberts, trưởng bộ phận nghiên cứu ô tô tại công ty Rho Motion, cho biết rằng tuy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục dù bị áp thuế, nhưng "thử thách thực sự từ thông báo hôm nay sẽ là liệu Bắc Kinh có trả đũa tương tự hay không".
"Các nhà sản xuất của châu Âu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vì vậy lợi nhuận giảm từ quốc gia tỷ dân này có thể làm chậm khả năng chuyển đổi sang xe điện của họ," ông bổ sung.
Rủi ro cao
Trung Quốc chiếm gần 32% doanh số bán hàng của BMW trong quý đầu tiên và khoảng 30% với các đối thủ Volkswagen và Mercedes-Benz.
Do đó, sự trả đũa có thể sẽ rất “đau đớn” đối với những công ty này và nền kinh tế sản xuất của Đức, khiến Thủ tướng Olaf Scholz cảnh báo trong một bài phát biểu tại một nhà máy Opel vào cuối tuần rằng "chủ nghĩa cô lập và các rào cản hải quan bất hợp pháp cuối cùng cũng chỉ làm tăng giá và khiến mọi người nghèo đi."
VW cho biết "các tác động tiêu cực" của thuế "vượt xa bất kỳ lợi ích tiềm năng nào cho ngành công nghiệp ô tô châu Âu và đặc biệt là Đức".
CEO của Mercedes, Ola Kaellenius, cho biết "việc dỡ bỏ các hạn chế và mở rộng thương mại công bằng và tự do đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế.Vì vậy, hiện tại chúng ta không nên đi theo hướng ngược lại".
Bên cạnh đó, thuế cũng sẽ ảnh hưởng đến những chiếc xe mà các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã sản xuất tại Trung Quốc, sau đó nhập khẩu trở lại để bán cho người tiêu dùng châu Âu.
Ví dụ, Renault nhập khẩu xe điện Dacia Spring sản xuất tại Trung Quốc vào châu Âu, và đối tác liên doanh của họ tại Trung Quốc, Dongfeng, nằm trong danh sách những công ty có khả năng bị áp thuế 21%.
Ngành công nghiệp ô tô châu Âu cũng phụ thuộc vào các linh kiện từ Trung Quốc, đặc biệt là đối với xe điện khi mà quốc gia tỷ dân chiếm ưu thế trong nhiều phần của chuỗi cung ứng.
Nói chuyện với các nhà phân tích tháng trước, CEO của BMW, Zipse, cảnh báo rằng việc kích hoạt một cuộc chiến thương mại có thể có những hậu quả nghiêm trọng đối với quá trình chuyển đổi sang xe điện vì các hãng không thể sản xuất ô tô ở châu Âu mà không có nguồn lực từ Trung Quốc.