Trung Quốc - Do chịu sự cạnh tranh lớn từ các hãng xe nội địa cùng với việc chần chừ trong phủ sóng xe điện, Mitsubishi đã buộc phải tạm dừng sản xuất ô tô tại Trung Quốc.
Xe điện lên ngôi
Hiện tại, Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu ngành trong quá trình chuyển đổi sang xe điện. Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho thấy doanh số bán xe chở khách chạy bằng pin (BEV) đạt hơn 2 triệu chiếc trong 5 tháng đầu năm, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, CAAM báo cáo doanh số bán xe sử dụng động cơ đốt trong giảm 7% trong cùng kỳ. Nhiều nhà phân tích tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục.
Matty Zhao, người đứng đầu bộ phận châu Á Thái Bình Dương của Bank of America Securities, nhận thấy thị trường xe điện của Trung Quốc tăng thêm 27% trong năm nay, đạt 32% tổng doanh số bán ô tô, tăng từ mức 26% của năm ngoái.
Một số dự đoán cho rằng con số này có thể tăng lên 50% trong hai năm tới.
Sự thay đổi diễn ra sau khi chính phủ Trung Quốc hỗ trợ quá trình chuyển đổi bằng cách giảm thuế cho người mua xe điện, trợ cấp và các chính sách khác đã thúc đẩy tăng trưởng cho các nhà sản xuất xe điện trong nước.
Quan trọng hơn, Trung Quốc đang khiến việc mua xe chạy bằng xăng trở nên khó khăn. Quốc gia này đang thực hiện các tiêu chuẩn khí thải phương tiện nghiêm ngặt hơn, gây áp lực buộc các nhà sản xuất ô tô phải chuyển đổi dòng sản phẩm của họ và xóa bỏ xe sử dụng động cơ đốt trong.
Mitsubishi và các hãng xe Nhật Bản đang tụt lại phía sau
Theo một bản ghi nhớ được phát hành trong tuần này (thông qua Bloomberg) đang lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, doanh số bán hàng của Mitsubishi đã giảm mạnh khi thị trường ô tô Trung Quốc chuyển sang xe điện, khiến nhà sản xuất ô tô này phải tạm ngừng hoạt động tại Trung Quốc vô thời hạn.
Theo Nikkei Asia, Kenichiro Yamamoto, CEO của GAC Mitsubishi, liên doanh ô tô giữa Mitsubishi và Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC) đã có thư gửi nhân viên với nội dung giải thích doanh số kém xa với kỳ vọng của GAC Mitsubishi đã dẫn đến quyết định tạm thời dừng sản xuất vào tháng trước.
Ông cho rằng lượng xe bán ra suy giảm một phần là do người tiêu dùng Trung Quốc nhanh chóng chuyển từ xe xăng sang các mẫu xe năng lượng mới, thân thiện với môi trường hơn bao gồm xe thuần điện và xe hybrid.
Mặc dù cả Mitsubishi Motors lẫn GAC đều thông báo rằng họ đã đưa ra quyết định sa thải nhân sự trong công ty, nhưng họ không tiết lộ thời gian tạm dừng sản xuất, cũng như quy mô và thời điểm cắt giảm việc làm. Đến cuối năm ngoái, GAC Mitsubishi có khoảng 2.700 nhân viên.
Sau khi đạt đỉnh vào năm 2019 với khoảng 134.500 chiếc, doanh số bán hàng của Mitsubishi gần như biến mất tại thị trường tỷ dân, với mức 34.500 chiếc được bán ra trong năm ngoái. Mẫu xe điện duy nhất của hãng, chiếc SUV Airtrek, chỉ bán được 515 chiếc.
Đáng nói, Mitsubishi không phải là nhà sản xuất ô tô Nhật Bản duy nhất bị tụt lại vì sự chần chừ trong phát triển xe điện.
Doanh số bán hàng của Honda, Mazda và Nissan đã giảm trong ít nhất hai năm trở lại đây và vào năm 2022, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản, Toyota, lần đầu tiên chứng kiến doanh số bán hàng giảm sau một thập kỷ.
Hồi tháng 1, một liên doanh giữa Honda và GAC thông báo ngừng sản xuất và bán ô tô dưới thương hiệu xe sang Acura của Honda.
Tháng trước, Hyundai Motor, nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba tính theo doanh số, thông báo sẽ đóng cửa một nhà máy khác ở Trung Quốc trong năm nay và tập trung kinh doanh ở các mẫu xe cao cấp hơn, bao gồm cả dòng xe SUV và xe thương hiệu Genesis.
Giám đốc điều hành Mazda Masahiro Moro lặp lại tuyên bố của Mitsubishi về Trung Quốc, cho biết: “Sản lượng sản xuất sẽ thấp trong thời điểm hiện tại trong khi áp lực lên lợi nhuận ngày càng tăng. Mặc dù Mazda không có kế hoạch thu hẹp quy mô, nhưng điều quan trọng để lật ngược tình thế đó là giới thiệu thêm xe điện”.
Nhìn thấy thành công mà các nhà sản xuất xe điện như Tesla và BYD đang đạt được, gần như tất cả các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã có kế hoạch để chuyển sang sản xuất xe điện.
Vào tháng 3, Mitsubishi đã tiết lộ kế hoạch điện khí hóa toàn bộ dòng sản phẩm của mình vào năm 2035, bao gồm 4 mẫu xe điện mới. Honda đã cải tổ các hoạt động kinh doanh của mình để ‘dọn đường” cho xe điện, trong khi Nissan đã tăng tốc chiến lược của mình vào tháng Hai.
Toyota hiện đang lên kế hoạch cho nền tảng ô tô điện chuyên dụng của riêng mình và pin thế hệ tiếp theo dự kiến sẽ cải thiện phạm vi và hiệu quả.
Để giúp tăng sản lượng pin trong nước, chính phủ Nhật Bản đã đầu tư gần 120 tỷ yên (847 triệu USD) để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy phát triển pin của Toyota.