Giấc mơ sản xuất xe điện của nhiều nhà sản xuất Trung Quốc dần lụi tắt khi mà số lượng công ty giảm từ 500 vào năm 2019 xuống còn 100 hãng ở thời điểm hiện tại.
Theo hãng thông tấn Bloomberg, dựa trên chỉ số HHI (Herfindahl-Hirschman Index) cho quý đầu tiên của năm 2023 - một thước đo được sử dụng để đánh giá mức độ cạnh tranh của thị trường - có thể kết luận rằng lĩnh vực xe điện của Trung Quốc đã chuyển từ trạng thái phân tán sang trạng thái tập trung.
Điều này cho thấy rằng chỉ một số ít công ty có khả năng tồn tại, đó là các nhà sản xuất hiện đang nắm phần lớn thị phần như BYD và Tesla.
Giai đoạn “chọn lọc tự nhiên” bắt đầu
Hiện tại, tổng thị phần của bốn công ty hàng đầu đã tăng lên 60% trong quý đầu tiên của năm 2023, một mức tăng đáng kể so với mức 44% được ghi nhận trong khoảng thời gian ba năm trước đó.
Chính phủ Trung Quốc đã chọn kéo dài thời gian miễn thuế cho người mua phương tiện năng lượng mới, tuy nhiên không cung cấp thêm hỗ trợ cho các nhà sản xuất đang gặp khó khăn.
Để làm sáng tỏ quyết định chiến lược này, ông Xin Guobin - đại diện của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc - giải thích rằng việc ngừng trợ cấp sẽ dẫn đến sự gia tăng các vụ sáp nhập, giúp giảm số lượng doanh nghiệp, từ đó tăng sức mạnh cho các công ty, duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Dựa trên phân tích do ông Wang Hanyang, nhà phân tích thị trường tại công ty 86Research có trụ sở tại Thượng Hải, thực hiện, khoảng 80% công ty khởi nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực xe năng lượng mới đã ngừng hoạt động hoặc đang trong quá trình ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, mục đích tập trung hóa thị trường của những nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn được thực hiện, bằng chứng là “đầu tàu” BYD đã liên tục khẳng định vị trí thống trị của mình trong hai năm qua.
Hiện tại, hơn một phần ba số xe điện được mua ở Trung Quốc có nguồn gốc từ BYD, một mức tăng đáng kể so với mức dưới 15% thị phần mà công ty nắm giữ vào cuối năm 2020.
Nếu cộng với hãng xe điện đến từ Mỹ Tesla (11%), tổng doanh số của hai doanh nghiệp này lên tới gần một nửa thị trường.
Hiện tại, một số nhà sản xuất ô tô đã dần biến mất khỏi thị trường. Nhiều phương tiện điện ban đầu được phát triển chủ yếu với mục đích đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện nhận trợ cấp, nhưng không may thiếu các tiêu chuẩn chất lượng cần thiết để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Một ví dụ cho sự suy yếu là Nio Inc., một công ty lớn hiện đang phải đối mặt với doanh số bán hàng giảm và gần đây đã tiết lộ rằng chính phủ Abu Dhabi đã rót vốn và hiện sở hữu 7% cổ phần. Chỉ hai năm trước, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Nio, William Li, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Trung Quốc khi vượt qua được tình trạng mất khả năng thanh toán nhờ vào một khoản trợ cấp tài chính của chính quyền thành phố Hợp Phì.
Theo Jochen Siebert từ JSC Automotive, những phương tiện bị đào thải thường được gọi là ô tô “đặc cách”, bởi mục đích chính của chúng là tuân thủ các quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu và đảm bảo nhận được trợ cấp.
Khi sở thích của người dùng và sự cạnh tranh tiếp tục phát triển, nhu cầu đối với những phương tiện này đang giảm dần.
Các hãng xe nhỏ khó có đất sống
Zhidou Electric Vehicle Co., một nhà sản xuất có trụ sở tại Ninh Hải đã bán thành công khoảng 100.000 xe kể từ năm 2015. Tuy nhiên, những chiếc xe này bị giới hạn phạm vi hoạt động vì chúng chỉ có thể di chuyển tối đa 100 km mỗi lần sạc.
Quỹ đạo tăng trưởng của công ty đã trải qua một bước thụt lùi khi Trung Quốc ngừng trợ cấp cho xe điện có phạm vi hoạt động dưới 150 km vào năm 2018.
Tương tự, Beijing Electric Vehicle Co., một công ty con của BAIC Motor Corp. thuộc sở hữu nhà nước, đã thống trị thị trường xe điện trong hơn 5 năm bằng cách chủ yếu phục vụ cho các khách hàng cung cấp dịch vụ vận chuyển như taxi. Tuy nhiên, khả năng sinh lời của công ty giảm sút khi trợ cấp giảm, khiến họ phải lao đao trong việc thay đổi cách tiếp cận.
Một ví dụ khác là Byton Ltd., công ty được thành lập bởi các cựu giám đốc điều hành của BMW, đã phải tạm dừng sản xuất trước khi bắt đầu giao xe. Trong khi đó,, Zhiche Youxing Technology Shanghai Co., ban đầu có kế hoạch niêm yết vào năm 2019, đã tuyên bố phá sản vào năm 2022.
Rõ ràng, các nhà sản xuất ô tô nhỏ giờ đây đang chật vật khi mà không còn phải đáp ứng các yêu cầu để nhận trợ cấp nữa, mà cần thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này đặc biệt khó khăn hơn khi nền kinh tế toàn cầu ghi nhận sự suy yếu đáng kể.
Thậm chí, một số nhà sản xuất quy mô hơn cũng phải chịu cảnh “sa cơ lỡ vận”. Ví dụ, WM Motor Technology Group, được hỗ trợ bởi “ông lớn” Baidu, hiện đang vật lộn với những khó khăn, dẫn đến việc bắt buộc phải cắt giảm lương và thu hẹp quy mô lực lượng lao động.
Liên quan đến vấn đề này, cô Freya Cui, một trong những người đầu tiên sử dụng chiếc xe đa dụng WM Motor EX5, bày tỏ rằng cô buộc phải chia tay chiếc xe bốn năm tuổi của mình vào tháng 4 do lỗi pin.
Nhân viên bán hàng thông báo với cô ấy rằng không có lựa chọn thay thế nào do công ty gặp khó khăn về tài chính và tình huống của cô ấy không phải là trường hợp cá biệt. Đồng thời, chi phí mua một khối pin thay thế từ nguồn của bên thứ ba thậm chí còn vượt quá chi phí mua một chiếc xe mới.
Sau nhiều lần thất bại trong việc tiếp cận WM Motor hoặc giám đốc điều hành Freeman Shen trên mạng xã hội, Cui đã mua một chiếc ô tô chạy bằng xăng giá rẻ cho mục đích đi lại, đồng thời nuôi hy vọng về sự phục hồi của công ty.
Người phụ nữ này bức xúc cho biết: “Tôi mua xe vì công ty có tên tuổi và được kỳ vọng sẽ bảo hành lâu dài, tuy nhiên không ai nghĩ sự sụp đổ lại đến sớm như vậy.”
Thật vậy, WM đóng vai trò là một minh họa nổi bật về sự chuyển đổi xảy ra trong ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc. Trước đây hãng xe này từng được đánh giá cao về triển vọng, giành được hai trong số năm khoản đầu tư mạo hiểm lớn nhất vào thị trường ô tô năng lượng sạch. Tuy nhiên, sau cùng công ty vẫn thất bại.
Dự đoán xu hướng của thị trường xe điện Trung Quốc trong tương lai là một nhiệm vụ đầy thách thức do sự quan tâm của người tiêu dùng trẻ đối với xe điện vẫn đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, số liệu thống kê gần đây từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc tiết lộ rằng mặc dù doanh số bán lẻ xe năng lượng mới đạt 580.000 chiếc vào tháng trước, nhưng chúng chỉ chiếm một phần ba tổng số xe chở khách được bán.
Các chuyên gia kỳ vọng rằng các thương hiệu xe điện sẽ giảm việc phát triển các tính năng hào nhoáng như lái tự động, màn hình tích hợp mở rộng hay hệ thống karaoke để chuyển trọng tâm sang độ an toàn, hiệu suất và độ tin cậy, như vậy thì mới có thể phát triển bền vững.