Thành phố Hà Nội nhiều khả năng sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT hiện tại bằng đường sắt đô thị.
Nội dung chính
Hà Nội dự định “khai tử” xe buýt nhanh BRT
Chiều 15/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP Hà Nội về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Trong buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; phát triển giao thông vận tải hành khách công cộng, hệ thống giao thông thông minh…
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn, đã thông báo về những điều chỉnh trong quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô. Các thay đổi này là một phần của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chung, nhằm đồng bộ hóa với tổng thể quy hoạch của Thủ đô.
Đặc biệt, quy hoạch đã được bổ sung thêm 24 tuyến đường mới nhằm kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận trong Vùng Thủ đô.
Về đường sắt đô thị, thành phố dự kiến phát triển 14 tuyến, tổng chiều dài khoảng 550km, để tạo thành nền tảng chính cho hệ thống giao thông công cộng. Bên cạnh đó, tuyến BRT hiện tại sẽ được thay thế bằng một tuyến đường sắt đô thị mới theo quy hoạch chung được điều chỉnh.
Hà Nội cũng sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành các dự án đường vành đai và các trục đường hướng tâm trong thời gian tới. Ngoài ra, thành phố đang hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh, sạch và nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng lên khoảng 30% vào năm 2025 - 2026.
Cộng đồng mạng Việt Nam nói gì?
Sau khi thông tin được đăng tải, người dùng Việt Nam đã được một phen thảo luận xôn xao. Nhiều ý kiến cho rằng đây là tin vui, do tuyến xe buýt BRT chưa đạt hiệu quả như mong đợi, gây ùn tắc giao thông.
“ Bỏ nhanh cho đường nó rộng ”, tài khoản C.N bình luận.
Trong khi đó, nick T.X đặt câu hỏi: “ Sự đầu tư BRT quá lãng phí và không phù hợp với giao thông Hà Nội, giờ phải thay thế ! Ai chịu trách nhiệm?”
“ BRT, một thời tốn bao giấy mực… ”, tài khoản D.N cảm khái.
Người dùng Q.V băn khoăn: " Lại mất 7-10 năm xây dựng. Rồi đường vốn đã tắc chắc khỏi đi luôn. "
Thông tin về tuyến BRT số 1
Tuyến BRT số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa chính thức được vận hành tại Hà Nội vào tháng 12/2016, có tổng mức đầu tư khoảng 55 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng).
Dài hơn 14 km, tuyến này sử dụng 55 chiếc xe buýt 80 chỗ, với giá trị trên 5 tỷ đồng mỗi xe.
Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động, tuyến BRT này chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Theo một số chuyên gia, điều này không chỉ không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển mà còn gây lãng phí hạ tầng và chiếm dụng diện tích đường bất hợp lý, làm người dân bức xúc.