Mới đây, ban tổ chức LCK đã bổ sung 3 quy định mới để hạn chế việc các tuyển thủ Hàn Quốc xuất ngoại thi đấu, xây dựng hệ sinh thái esports bền vững.
Những năm gần đây, khu vực Liên Minh Huyền Thoại Hàn Quốc (LCK) bắt đầu tỏ ra thất thế hơn so với Trung Quốc (LPL). Bên cạnh nguyên nhân về tiềm lực tài chính thì việc các tuyển thủ Hàn Quốc xuất ngoại sang Trung Quốc thi đấu đã bổ sung cho đất nước tỉ dân một lượng chất xám vô cùng lớn.
Không ai có thể chối cãi được rằng sự xuất hiện của những người Hàn đã giúp nâng tầm giải đấu LPL. Cả 3 đội tuyển đã giành chức vô địch Chung Kết Thế Giới của Trung Quốc đều sở hữu 2 người Hàn trong đội hình thi đấu:
- 2018 - Invictus Gaming: TheShy và Rookie
- 2019 - Funplus Phoenix: Gimgoon và Doinb
- 2021 - Edward Gaming: Scout và Viper
Đó là lý do mà mới đây, ban tổ chức LCK đã ban hành 3 quy định mới nhằm xây dựng một hệ sinh thái esports bền vững hơn, đảm bảo quyền lợi cho các tuyển thủ trẻ cũng như đội chủ quản, hạn chế việc các tuyển thủ xuất ngoại sang nước ngoài thi đấu. Cụ thể như sau:
1. Điều khoản bồi dưỡng tân binh
Điều khoản này thỏa mãn khi một tuyển thủ đã thi đấu tối thiểu hơn 50% tổng số trận đấu ở LCK Challengers (giải hạng 2 Hàn Quốc) hoặc tối thiểu 25% tổng số trận đấu tại LCK trong một mùa giải. Khi điều kiện này được đáp ứng, đội tuyển chủ quản có thể quyết định có thực hiện theo điều khoản hay không.
Nếu đồng ý với điều khoản, đội chủ quản có gia hạn hợp đồng với tuyển thủ thêm 2 mùa giải tiếp theo (2 năm). Người chơi được đảm bảo tăng mức lương cơ bản mỗi năm ít nhất 20% cũng như thời gian thi đấu theo hợp đồng. Nếu như thời gian thi đấu tối thiểu không thể đáp ứng, người chơi có thể chấm dứt hợp đồng với đội chủ quản.
2. Chính sách cấp phép cho các công ty quản lý tuyển thủ
Chính sách này được tạo ra để giúp các tuyển thủ có thể lựa chọn bên đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình. Các công ty quản lý này phải vượt qua được bài kiểm tra của Hiệp hội Thể thao điện tử Hàn Quốc (KeSpa). Giấy phép chỉ có thời hạn trong tối đa 2 năm.
Các công ty này sẽ phụ trách tiền lương/hợp đồng thu nhập của tuyển thủ và phải báo cáo định kỳ. Nếu bị phát hiện có hành động giả mạo, tiết lộ thông tin một cách trái phép, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người chơi, đại lý ủy quyền có thể bị xử lý kỷ luật tùy theo từng mức độ.
3. Chính sách thương lượng trước khi ký kết hợp đồng LCK
Chính sách này giúp các đội tuyển có thể duy trì được đội hình cạnh tranh. Các đội có thể gia hạn hợp đồng hoặc chiêu mộ các tuyển thủ chủ chốt trước khi kết thúc hợp đồng. Nếu người chơi quyết định đến đội khác, đội tuyển chủ khoản sẽ nhận được một khoản phí chuyển nhượng để tái đầu tư cho mùa giải tiếp theo.
Các đội có quyền chỉ định các thành viên sắp hết hạn hợp đồng tham gia vào các quá trình của chính sách thương lượng.
Chính sách này được chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Khi các đội tuyển chỉ định xong thành viên của mình và đưa ra hợp đồng đã ký kết ban đầu, LCK sẽ công bố toàn bộ danh sách các tuyển thủ được chỉ định một cách công khai.
- Giai đoạn 2: Các đội khác sẽ có một khoảng thời gian để thương lượng vợi đội chủ quản của tuyển thủ họ muốn mua.
- Giai đoạn 3: Đội chủ quản sẽ đưa ra một bản hợp đồng cuối cùng, tuyển thủ có thể quyết định ở lại hoặc chuyển đến đội tuyển mới.