Tiền đạo Abel Camara (Arema FC) mới đây đã kể lại giây phút kinh hoàng trong cuộc bạo loạn tại sân Kanjuruhan.
Tối 1/10, bóng đá Indonesia đã trải qua một ngày buồn khi xảy ra một vụ bạo loạn kinh hoàng tại sân vận động Kanjuruhan khiến rất nhiều người thiệt mạng Sự cố diễn ra sau khi đội khách Persebaya Surabaya đã giành chiến thắng 3-2 trước chủ nhà Arema FC. Các CĐV chủ nhà đã lao xuống sân tấn công lực lượng an ninh và CĐV đội khách.
Theo chia sẻ của các nhà chức trách Indonesia, vụ bạo loạn dưới sân khiến lực lượng an ninh phải dùng biện pháp mạnh để ngăn chặn. Hàng nghìn cổ động viên Arema FC vẫn còn trên khán đài hoảng sợ tìm đường thoát. Đỉnh điểm là khi họ giẫm đạp tiến về phía cửa số 10 và 12 để rồi xảy ra thảm án khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Trong cuộc nói chuyện với kênh Kompas TV (Indonesia), tiền đạo Abel Camara của Arema FC đã kể lại nỗi kinh hoàng mà anh đã phải trải qua trong cuộc bạo loạn đáng sợ tại sân Kanjuruhan.
"Đây là một trận derby kinh điển. Một tuần trước đó người ta đã cảm thấy căng thẳng, nó không chỉ là trận cầu để kiếm 3 điểm. Với mọi người, nó giống như cuộc chiến sinh tử và chúng tôi có thể thua bất kỳ đội nào, ngoại trừ Persebaya.
Khi trận đấu kết thúc, các cầu thủ đối phương rời sân vận động trong khoảng 10 phút trong xe bọc thép. Trong khi đó, chúng tôi đã đến xin lỗi người hâm mộ và đó là thời điểm các cổ động viên bắt đầu trèo rào và cảnh sát yêu cầu chúng tôi vào phòng thay đồ vì họ có thể mất kiểm soát tình hình sớm hay muộn.
Chúng tôi đóng cửa trong phòng thay đồ và những người hâm mộ cố gắng vào đó, chúng tôi phải kê một chiếc bàn bên trong để chặn cửa. Họ vào được phòng thay đồ của chúng tôi và cuối cùng chết ngay ở đó. Họ chết ngay trước mặt chúng tôi. Có khoảng bảy đến tám người đã chết".
Ngay cả khi ra khỏi sân vận động sau 4 giờ mắc kẹt, cầu thủ 32 tuổi vẫn trải qua một cú sốc tâm lý khi nhìn thấy tàn tích của cuộc hỗn chiến từ máu và quần áo vương vãi cho đến xe buýt và xe cảnh sát bốc cháy.
"Chúng tôi ở trong phòng thay đồ khoảng 3-4 giờ trước khi các sĩ quan đuổi mọi người ra ngoài. Khi chúng tôi rời đi và tình hình đã lắng dịu một chút, chúng tôi thấy máu, giày dép, quần áo văng tung tóe trong sân vận động. Ngoài ra còn có xe buýt và xe cảnh sát đang bốc cháy", Abel Camara đau lòng kể lại.
Ngày 2/10, truyền thông Indonesia đính chính số người chết trong vụ bạo loạn là khoảng 125 người, không phải 174 người như một số thông tin ban đầu. Tổng thống Joko Widodo đã phải kêu gọi các nhà chức trách đánh giá kỹ lưỡng an ninh tại các trận đấu, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng đây sẽ là "thảm kịch bóng đá cuối cùng trong nước".
Ông Widodo cũng ra lệnh đình chỉ tất cả trận đấu thuộc Giải bóng đá vô địch quốc gia Indonesia (BRI Liga 1) cho đến khi công tác đánh giá an toàn, an ninh hoàn tất. Trong khi đó, LĐBĐ Indonesia (PSSI) đang đối diện với án phạt vô cùng nghiêm khắc từ FIFA. Các đội tuyển Indonesia có thể bị cấm thi đấu quốc tế.
Cảnh sát lý giải nguyên nhân dẫn đến 'thảm kịch' tại giải VĐQG Indonesia