Giá bán và cơ sở hạ tầng trạm sạc là những nguyên nhân chủ yếu khiến người dùng Indonesia ngại sử dụng xe điện.
Lý do người dùng Indonesia ngại mua xe điện
PT Honda Prospect Motor (HPM) - liên doanh giữa hãng sản xuất ôtô Honda Motor Co. của Nhật Bản và công ty Prospect Motor của Indonesia - mới đây đã tiến hành khảo sát về lý do mà người Indonesia chưa dám mua ô tô điện. Theo HPM, nguyên nhân lớn nhất vẫn là giá cả và sở hạ tầng trạm sạc.
Ông Yusak Billy - Giám đốc Bán hàng & Tiếp thị và Dịch vụ Sau bán hàng của HPM - cho biết, người tiêu dùng Indonesia tỏ ra thận trọng với việc mua ô tô điện do lo ngại về sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng trạm sạc và giá trị bán lại của xe điện có thể sẽ giảm theo thời gian.
"Câu trả lời của khách hàng vẫn xoay quanh các vấn đề như cơ sở hạ tầng trạm sạc và giá trị bán lại. Hiện tại, họ chỉ coi xe điện như lựa chọn thứ hai, thứ ba hoặc thậm chí là thứ tư khi mua ô tô.
Đồng thời, họ cũng đang chờ đợi công nghệ mới. Ngoài ra, họ còn lo ngại về việc phải mất thời gian chờ đợi lâu để sạc đầy xe, trừ khi xe có thể đi được tới 1.000 km chỉ sau 1 giờ sạc pin", ông Yusak chia sẻ.
Một thách thức khác được ông Yusak chỉ ra là mức độ sở hữu ô tô cá nhân tại Indonesia vẫn còn thấp, với chỉ 99 xe trên 1.000 người, và đa số khách hàng là người mua xe lần đầu.
Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn cho việc tuyên truyền và giới thiệu sản phẩm có giá cả cạnh tranh để kích thích sự quan tâm của người tiêu dùng đối với ô tô điện.
Ngoài ra, theo ông Yusak, việc ô tô điện trở nên phổ biến còn phụ thuộc vào phân khúc thị trường mục tiêu. "Chúng tôi đang nghiên cứu xem phân khúc nào cần được phát triển", ông nói, ám chỉ tầm quan trọng của việc định hình lại chiến lược sản phẩm để phù hợp với thị trường Indonesia.
Khảo sát cũng cho thấy một hiện tượng thú vị: hầu hết người sử dụng ô tô điện tại Indonesia thuộc nhóm "fear of missing out" (FOMO), tức là lo sợ bị bỏ lại phía sau xu hướng.
Điều này cho thấy một số người mua không chỉ tìm kiếm trải nghiệm lái mới mà còn muốn đảm bảo rằng họ không bỏ lỡ bất kỳ xu hướng mới nào trong ngành ô tô.
Để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng, HPM đã giới thiệu hai mẫu ô tô điện là Honda e và N Van tại Indonesia. Tuy nhiên, cả hai mẫu xe này vẫn chưa được ra mắt hoặc bán ra hàng loạt.
Theo HPM, trước khi tiến đến giai đoạn điện hóa hoàn toàn, các nhà sản xuất cần có một bước chuyển tiếp là một loại xe hỗn hợp.
VinFast gia nhập thị trường Indonesia
Vào giữa tháng 2 vừa qua, VinFast đã mang đến Triển lãm Ô tô Quốc tế Indonesia (IIMS) 2024 loạt sản phẩm xe điện từ phân khúc A-SUV đến E-SUV, bao gồm các mẫu xe VF 5, VF e34, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9.
Đồng thời, VinFast đã chọn Indonesia là thị trường đầu tiên để giới thiệu sản phẩm với tay lái nghịch. Theo kỳ vọng, các mẫu xe VF 5, VF e34, VF 6 và VF 7, thuộc phân khúc từ A đến C, sẽ là những sản phẩm đầu tiên được ra mắt tại thị trường Indonesia.
Cũng tại triển lãm IIMS, VinFast đã ký kết Ý định thư hợp tác với 5 đại lý đầu tiên tại Indonesia, đặt nền móng cho mạng lưới phân phối ở thị trường này. Theo thông tin từ đại diện của VinFast, các đại lý này bao gồm BAM, GNA, GSU, có trụ sở chính tại Jakarta, MCA tại Medan, và Majesty tại Batam.
Khi gia nhập thị trường Indonesia, VinFast sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ khi người dân ở xứ sở vạn đảo khá e ngại trong việc sử dụng xe điện. Những yếu tố về giá cả, cơ sở hạ tầng trạm sạc, công nghệ mới đều ảnh hưởng đến quyết định mua xe điện của người tiêu dùng Indonesia.
Tuy nhiên, thông qua việc nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc và triển khai các chiến dịch marketing hiệu quả để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, VinFast vẫn có thể vượt qua những khó khăn này và gặt hái thành công trên thị trường ô tô điện tại Indonesia.