Nhờ công nghệ này, tính công bằng của mỗi trận đấu sẽ được đảm bảo hơn so với trước đây, tránh trường hợp bị mất điểm "oan".
Chiều nay (8/4), bên cạnh diễn ra lễ bốc thăm chia bảng bộ môn bóng chuyền nam tại SEA Games 31 diễn ra tại Hà Nội, Ban tổ chức cũng chính thức thông báo hệ thống "Challenge" (nôm na có thể như VAR trong bóng đá) tiếp tục được sử dụng trong các trận đấu bóng chuyền trong nhà tại kỳ đại hội này.
Cụ thể, tại các trận đấu bóng chuyền nam và nữ, bên cạnh việc điều khiển từ phía trọng tài, còn có thêm hệ thống "video challenger" với những tính năng tương tự như VAR bên bóng đá, cho phép các đội được xem lại những tình huống gây tranh cãi, đặc biệt là những tình huống trong thời điểm ảnh hưởng đến cục diện của trận đấu.
Hệ thống "Challenge" lần đầu tiên được sử dụng tại Giải bóng chuyền Vô địch Thế giới 2014, lúc này chỉ mang tính thử nghiệm, tuy nhiên hiệu quả và tính công bằng của các trận đấu được cải thiện một cách đáng kể. Công nghệ tiên tiến này dần dần được nâng cấp qua các giải đấu quốc tế, đặc biệt là giải đấu thuộc hệ thống FIVB và CEV như World Cup 2015, Giải Vô địch châu Âu 2015. Đến kỳ Olympic Rio 2016, công nghệ dùng hình ảnh hỗ trợ trọng tài gần như hoàn thiện và từ đó được sử dụng một cách thường xuyên trong các giải đấu bóng chuyền quốc tế sau này.
Thế nhưng, với Việt Nam, đây là lần đầu tiên công nghệ "challenge" được sử dụng một cách chính thức và công khai trong một giải đấu tầm cỡ khu vực. Trước đó, các giải đấu trong nước vẫn chỉ sử dụng hệ thống trọng tài thông thường và ít nhiều gây ra tranh cãi. Vì vậy, đây có thể xem là một bước tiến mới, giúp hệ thống bóng chuyền và các giải bóng chuyền trong nước trở nên chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Hiện tại, hai đội bóng chuyền nam và nữ quốc gia vẫn đang tập luyện nhằm hướng tới SEA Games 31. Người hâm mộ đang rất kỳ vọng vào một thành tích của cả hai đội, đặc biệt khi thi đấu trên sân nhà.