Sau thành công không tưởng tại giải bóng chuyền VĐQG vừa rồi, BHL kỳ vọng điều kiện tập luyện sẽ được nâng cấp giúp đội bóng thủ đô không còn trầy trật trong thời gian dài vừa qua.
Mùa giải bóng chuyền VĐQG 2022 có thể xem là giải đấu thành công của đội bóng chuyền nam Hà Nội. Bước vào giải với những nỗi lo về nhân sự khi không có ngoại binh cũng như khó khăn về tìm kiếm nhà tài trợ, thế nhưng Hà Nội thi đấu vô cùng ấn tượng.
Càng đánh càng hay, Ngọc Hoàng cùng các đồng đội vượt qua TP. Hồ Chí Minh nghẹt thở với tỉ số 3-2 tại tứ kết, sau đó xuất sắc cán đích chung cuộc ở vị trí thứ 3, giành tấm HCĐ quý giá.
Đây là tấm huy chương đầu tiên sau 17 năm tại hệ thống thi đấu quốc gia. Kết quả không tưởng này được xem là sự nỗ lực của Ban huấn luyện cũng như các vận động viên, đặc biệt khi mục tiêu ban đầu đặt ra của đội chỉ là cố gắng trụ hạng.
Chia sẻ về thành công này, chủ công Lê Đức Thuận, bên cạnh sự nỗ lực của đội, yếu tố may mắn là một lý do cho chiến tích HCĐ này. Việc sử dụng hệ thống Challenge Eyes năm nay giúp tính công bằng của các trận đấu được đảm bảo hơn.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, mặc dù là đội bóng thủ đô, thế nhưng bóng chuyền nam Hà Nội lại chưa hề có nhà tài trợ, được xem là đội bóng nghèo nhất của các CLB nam hiện tại.
Hiện tại, tiền công tập luyện của các cầu thủ hiện tại chỉ dao động từ khoảng 4,5 - 4,8 triệu đồng/tháng. Mức lương này thậm chí chỉ cao hơn một số công việc làm part-time. Không có nguồn xã hội hóa, do đó đội bóng nam Hà Nội phải sống dựa vào trợ cấp của ngân sách nhà nước.
Dàn cầu thủ hiện tại cũng là lứa đào tạo trẻ trưởng thành từ đội như Xuân Đức, Quang Thành hay Vũ Ngọc Hoàng... Chia sẻ trên báo Hà Nội mới về các cầu thủ của đội, ông Bùi Đình Lợi nói:
“May mắn của đội bóng chuyền nam Hà Nội là cầu thủ luôn xác định gắn bó, chia sẻ với các huấn luyện viên, nhà quản lý bằng cái tình, sự tự hào khi được đại diện cho bóng chuyền Thủ đô”.
Với tầm HCĐ giành được tại giải VĐQG vừa rồi, NHM kỳ vọng rằng bóng chuyền nam Hà Nội sẽ có thể tìm được nhà tài trợ mới, qua đó vượt qua cảnh vượt khó từ vài năm qua.