Game thủ chuyên nghiệp không nghèo như nhiều người vẫn tưởng.
Tại VCS, chúng ta vẫn thường bắt gặp những bình luận than phiền từ khán giả, thậm chí là tuyển thủ về vấn đề tiền lương. Mọi người thường gắn mác VCS là một giải đấu thiếu sự đầu tư, nơi tuyển thủ / huấn luyện viên có mức thu nhập không xứng với những gì họ đáng được hưởng.
Tuy nhiên, tại VCS Mùa Hè 2024 (mùa giải cuối cùng trước khi bị sáp nhập vào APAC), có hai đội đã lật bài công khai mức thu nhập của các tuyển thủ, và nó ngay lập tức khiến cả cộng đồng choáng váng.
Đầu tiên là Team Flash. Dù chỉ xếp hạng 7/8 ở giải đấu mùa xuân và bị coi là một trong những đội có tài chính yếu nhất, Team Flash vẫn sẵn lòng trả từ 8 - 50 triệu cho các tuyển thủ của mình.
Theo thang đo của Team Flash, các tuyển thủ thường thường bậc trung có thể bỏ túi 15 triệu mỗi tháng, trong khi cỡ siêu sao thì 50 triệu / tháng hoặc cao hơn là điều bình thường.
Trong buổi livestream tối ngày 13/06, huấn luyện viên Raze của đội tuyển Rainbow Warriors cũng thẳng thắn công khai mức lương của các tuyển thủ, chênh lệch không nhiều so với tiêu chuẩn của Team Flash.
Theo Raze, mức lương của Rainbow Warriors dao động từ 10 - 30 triệu, cao nhất là huấn luyện viên, thấp nhấp là các tuyển thủ dự bị / chưa cạnh tranh được suất đánh chính, cụ thể:
- Lương 30 triệu/ tháng: Huấn luyện viên Raze
- Lương 20 triệu/ tháng: Artifact (đường giữa)
- Lương 15 triệu/ tháng: Spot (đi rừng), 2T (đường trên)
- Lương 10 triệu/ tháng: Noway (xạ thủ), EasyLove (xạ thủ), SJW (hỗ trợ), Zin (hỗ trợ)
Thông thường, mức lương là thông tin sẽ được các đội giữ bí mật, nhưng do Rainbow Warriors đã giải thể nên Raze không ngần ngại công khai luôn trên sóng.
Mức lương của các tuyển thủ Rainbow Warriors không hề tệ so với mức sinh hoạt tại Việt Nam, lại được đội chủ quản bao ăn ở.
Điều đáng nói là Rainbow Warriors chỉ xếp bét bảng ở giải đấu mùa xuân, nghĩa là các đội top tier, có nguồn lực tài chính mạnh như GAM Esports, Team Whales hoàn toàn có thể trả mức lương cao hơn so với mặt bằng chung.
Với một mức lương không hề tệ như trên mà vẫn có đến tận 25 tuyển thủ VCS bán độ, vậy thì chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này dưới khía cạnh đạo đức chứ không phải vì "miếng cơm manh áo" như một số khán giả vẫn thường lầm tưởng.