Trang tin CNBeta của Trung Quốc cho rằng Võ Lâm Truyền Kỳ là tựa game online ăn khách nhất tại Việt Nam suốt 17 năm qua.
Trong bài viết với tựa đề “Dựa vào Lôi Quân (CEO Kingsoft) để kiếm tiền và dựa vào Tencent để phát triển, quán net nhỏ này đã trở thành một ông lớn ở Việt Nam chỉ sau 10 năm”, trang tin CNBeta thuật lại hành trình đi lên của VNG, từ một tiệm net nhỏ trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu.
Mặc dù bài viết rất phiến diện và cố ý hạ thấp VNG cũng như game thủ Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã cung cấp những góc nhìn khá thú vị cho người đọc.
“Năm 2004, Lê Hồng Minh - chủ một quán net tại Việt Nam đã gửi email tới Lôi Quân (Lei Jun). Sau đó, anh chỉ phải bỏ ra 160.000 nhân dân tệ để được quyền phát hành Kiếm Hiệp Tình Duyên. Chưa đầy 10 năm sau, quán net nhỏ bé này đã vươn lên trở thành ông lớn Internet độc quyền tại Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên của riêng mình” - CNBeta nhận định.
Câu chuyện của VNG bắt đầu từ năm 2001, Lê Hồng Minh bấy giờ đang là một sinh viên xuất sắc trong ngành tài chính. Sau khi ra trường, anh làm việc cho một ngân hàng đầu tư.
Tuy nhiên, niềm đam mê to lớn với game đã thôi thúc Lê Hồng Minh mở một quán net nhỏ và đặt tên là VinaGame. Anh làm việc tại ngân hàng vào buổi sáng và trở về quản lý tiệm net vào buổi tối.
Thị trường game Việt Nam khi đó giống như Trung Quốc vào những năm 1990, trống rỗng và sơ khai. Những game thủ trong nước khao khát các trò chơi chất lượng, nhưng chúng lại thường chỉ được phát hành ở nước ngoài.
Sự mất cân đối về cung - cầu này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các nhà phát hành game. Do đó, Lê Hồng Minh ấp ủ tham vọng phát hành game tại thị trường Việt Nam. Đầu tiên, anh tìm đến Hàn Quốc - ông trùm game online Châu Á ở thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, thứ chào đón anh chỉ là những cái lắc đầu.
Không bỏ cuộc, Lê Hồng Minh quyết định tìm đến Trung Quốc - nơi sở hữu 3/20 tựa game online hàng đầu. Rút kinh nghiệm từ lần trước, anh khai man số nhân viên của công ty từ 5 lên 20 để gây ấn tượng với đối tác.
May mắn đã mỉm cười với nhà sáng lập của Vinagame khi anh gặp được Lôi Quân - lúc này vẫn đang là CEO của Kingsoft. Lôi Quân nói với Lê Hồng Minh:
“Tôi không biết anh và cũng không biết gì về Việt Nam. Nhưng anh đã tới tận Trung Quốc và muốn mang trò chơi này về Việt Nam, vậy thì hãy mang nó đi”
Mặc dù đã có được cái bắt tay của Lôi Quân, Vina Game ở thời điểm đó vẫn không đủ 80.000 nhân dân tệ để đóng tiền trả trước. Sau khi thương lượng, khoản trả trước được giảm xuống chỉ còn 50.000 nhân dân tệ và hợp đồng giữa hai bên được ký kết.
Năm 2004, Kiếm Hiệp Tình Duyên chính thức được phát hành tại Việt Nam với tên gọi mới: Võ Lâm Truyền Kỳ. Và phần còn lại, chính là huyền thoại.
“Cả Lôi Quân và Lê Hồng Minh đều không ngờ tới rằng Võ Lâm Truyền Kỳ đã trở thành trò chơi ăn khách nhất Việt Nam suốt 17 năm qua. Trước khi Võ Lâm du nhập vào Việt Nam, quốc gia này chỉ có 10.000 người chơi game online. Nhưng ở vào thời kỳ đỉnh cao của Võ Lâm, số game thủ chơi online đã lên tới con số 170.000”
“Ở Việt Nam, cứ ba cư dân mạng thì lại có hai người là game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ. Trong bất cứ quán net nào, 80% người đều đang chơi VLTK. Khi áp dụng phương thức trả tiền mua giờ chơi, lượng người chơi thậm chí còn tăng 20%”
“Đây là một kỳ tích ở Việt Nam. Vì xét cho cùng, đây là nơi mà vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan, rất ít người chịu bỏ tiền ra để mua game”
Lý giải cho thành công của Võ Lâm Truyền Kỳ, tác giả của bài viết cho rằng “người Việt Nam hâm mộ võ thuật Trung Quốc”. Bằng chứng là các bộ phim truyền hình võ thuật cổ trang của Trung Quốc rất được khán giả yêu mến. Khi Thiên Long Bát Bộ được ra mắt tại Việt Nam, nó cũng nhanh chóng trở thành trò chơi được yêu thích nhất của năm.
Những luận điểm tiếp theo của tác giả này cũng cực kỳ phiến diện và có phần xuyên tạc. Chẳng hạn như việc game thủ Việt thuộc làu làu lịch sử Trung Quốc, hay VNG thành công nhờ sao chép Tencent. Đây là những quan điểm sai lầm và mang tính chất bôi nhọ, do đó chúng tôi sẽ không đề cập ở đây.
Tựa game này mất hơn nửa triệu người chơi chỉ sau một đợt 'thanh trừng'
Game thủ bị phạt 178 tỷ vì giả mạo nhà phát hành đi đánh bản quyền Youtube