Từ một cô gái chập chững bước vào lò luyện của BTL Thông tin, Hoàng Thị Kiều Trinh đã gây chấn động làng bóng chuyền Việt Nam chỉ sau 2 năm luyện tập.
Nội dung chính
Hoàng Thị Kiều Trinh sinh năm 2001, đang hoạt động tại CLB bóng chuyền nữ BTL Thông tin FLC và đội tuyển bóng chuyền quốc gia. Chân dài 1m78 đang được giới chuyên môn đánh giá là 'thần đồng' của bóng chuyền nữ Việt Nam hiện tại.
Hành trình vượt khó để theo đuổi đam mê của Kiều Trinh
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Lệ Thủy - Quảng Bình, tuổi thơ của Kiều Trinh khá vất vả. Chính điều đó đã hun đúc cho Kiều Trinh ý chí vượt khó so với bạn bè cùng trang lứa.
Ngay từ khi lên cấp 2, Kiều Trinh đã bén duyên với môn bóng chuyền và dần yêu thích môn thể thao này. Dù không quá cao nhưng Kiều Trinh lại có sức bật khá ổn, được đưa vào đội tuyển trường để thi đấu. Hè năm 2016, Kiều Trinh được HLV Nguyễn Tâm Anh đưa về tập luyện tại đội năng khiếu của BTL Thông tin FLC.
Kể từ đó, ước mơ của Kiều Trinh ngày một mãnh liệt hơn. Chỉ trong vòng 2 năm tập luyện, Kiều Trinh đã thể hiện vượt trội hơn các bạn đồng trang lứa. Sau đó, cô được đôn lên đội 1 thi đấu dự bị vì chủ công Nguyệt Anh đang bị chấn thương.
Ít ai có thể ngờ, một cô bé chỉ mới 16 tuổi đã gây chấn động cho toàn giải đấu với những cú phản công hiểm hóc, kể cả những VĐV đã huấn luyện nhiều năm cũng chưa tạo ra những pha đập ngay góc chết như thế. Sự nghiệp của Kiều Trinh chính thức bước sang trang mới, đặc biệt là sau khi vô địch Cúp PV – Đạm Cà Mau 2018.
Các HLV của đội và giới chuyên môn đều rất hài lòng với màn trình diễn của đối chuyền sinh năm 2001 này. Kể từ đó, Kiều Trinh đã có suất thi đấu chính thức trong CLB.
Năm 2019, Kiều Trinh tiếp tục gây chấn động làng thể thao Việt Nam khi giành giải VĐV trẻ triển vọng ở cúp bóng chuyền nữ Quốc tế LienVietPostbank và danh hiệu VĐV tấn công xuất sắc nhất giải VĐQG 2019. Cùng thời điểm đó, Kiều Trinh đã được gọi lên tuyển thi đấu SEA Games 30 và góp công giúp đội giành HCB.
Người nối nghiệp của tượng đài bóng chuyền Phạm Thị Yến sau nửa thập kỷ
Kể từ năm 2013, Phạm Thị Yến đã dừng thi đấu tại ĐTQG khiến vị trí đối chuyền trên tuyển bị khiếm khuyết. Dù BHL đã tìm được người thay vào nhưng những gì Phạm Thị Yến làm là quá xuất sắc, khó mà lấp đầy đến khi Kiều Trinh xuất hiện.
Sau khi Kiều Trinh thể hiện tài năng tại SEA Games 30, giới chuyên môn đã nhận định rằng Kiều Trinh chính là người đầu tiên được tin tưởng khi thi đấu ở vị trí này. Năm nay, Kiều Trinh đã có đối thủ xứng tầm trên tuyển là Bích Tuyền nhưng ở góc chuyên môn thì Bích Tuyền mạnh ở thế tấn công.
Còn Kiều Trinh thì sở hữu cổ tay dẻo, có thể xử lý bóng sang nhiều hướng khác nhau ở trên lưới và bám chắn linh hoạt. Mỗi người đều sở hữu kỹ năng riêng nên vị trí đối chuyền đã chắc suất cho 2 VĐV này và tùy tình huống sẽ quyết định ai sẽ thi đấu chính thức trong trận. Người còn lại sẽ ngồi quan sát để tìm sơ hở của đối phương, sau đó sẽ vào sân và tung đòn tấn công kết liễu đối thủ.
Video: Hoàng Thị Kiều Trinh với những pha đập uy lực trong trận đấu gặp Thái Lan
Nữ thần bóng chuyền xứ Trung từng gây 'bão' tại World Cup lên xe hoa, chồng cao đến 2m10
Nhận tin dữ, đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia có nguy cơ 'vỡ trận'