Chuyên gia Đoàn Minh Xương đã có những đánh giá và chia sẻ về sự đổi mới của ĐT Việt Nam trong năm 2022.
Đổi mới có lẽ là hai từ được nhắc đến nhiều nhất về ĐT Việt Nam trong năm 2021. Mỗi khi kết quả không được như ý, vấn đề này lại được lôi ra "mổ xẻ". Và đã làm rõ hơn câu chuyện này và tìm ra cái nhìn khách quan nhất, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương.
Sau thất bại tại AFF Cup 2021 nhiều người nghĩ đến chuyện đổi mới. Vậy theo ông đã đến lúc HLV Park phải thực sự quan tâm đến vấn đề đổi mới nhân sự hay tiếp tục tin tưởng các học trò cũ?
Không chỉ ở riêng bóng đá, bất cứ bộ môn thể thao nào muốn đạt được thành công cũng cần phải thay đổi. Đó là quy luật. Giai đoạn thành công của bóng đá Việt Nam từ 2018 - 2020 là điều đáng để khích lệ và tự hào. Tuy nhiên vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2021 vừa rồi đã bộc lộ nhiều hạn chế của ĐT Việt Nam.
Vào đến vòng loại thứ 3 World Cup đã là thành công. Tuy nhiên khoảng cách của chúng ta với các đội hàng đầu châu lục vẫn còn rất xa. Những yếu tố khách quan như V-League bị hủy, các cầu thủ phải tập trung quá lâu khiến cho phong độ và tâm lý cũng bị ảnh hưởng.
Không chỉ phải đổi mới về mặt con người, ĐT Việt Nam cũng cần phải có sự thay đổi về mặt lối chơi. Cách đá của chúng ta đã không còn gây được bất ngờ. Các đối thủ trong khu vực cũng đã nghiên cứu rất kỹ thầy trò Park Hang Seo. Vì thế phải tìm ra cách thích ứng với nhiều lối chơi khác nhau.
Theo ông việc HLV Park thay đội trưởng có phải tín hiệu để chờ đợi một ĐT Việt Nam rất mới trong năm 2022?
Việc ông Park chọn Đỗ Hùng Dũng làm đội trưởng thay Quế Ngọc Hải là biện pháp đổi mới đã nằm trong kế hoạch, trong dự tính. Quế Ngọc Hải cũng sẽ vắng mặt ở trận đấu với ĐT Úc vì bị treo giò. Khi đó ĐT Việt Nam cũng sẽ cần một đội trưởng để tạo ra động lực mới cho các cầu thủ.
Tuy nhiên việc đổi mới cũng sẽ cần phải rất thận trọng. Sau vòng loại World Cup 2022, ĐT Việt Nam nhiều khả năng sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Những giải đấu trẻ như VCK U23 châu Á 2022, SEA Games 31, ASIAD sẽ là dịp để tìm kiếm và bổ sung những nhân tố mới cho ĐTQG.
Phải chăng ĐT Việt Nam đã chạm đến ngưỡng giới hạn của mình sau 4 năm vô cùng thành công, thưa ông?
Giờ chưa phải là lúc để đánh giá được điều này. Chúng ta sẽ phải chờ đợi những màn trình diễn của đội tuyển trong năm mới 2022. Chúng ta đã có bài học trong năm 2021 với những thất bại ở cả đấu trường châu lục lẫn khu vực. Giải V-League cũng đã có kinh nghiệm tổ chức trong thời kỳ dịch bệnh.
Vì thế năm 2022 là lúc những phương án chuẩn bị cho ĐT Việt Nam cần phải được thực hiện chính xác và chuẩn chỉ. Những nguyên nhân thất bại cả chủ quan và khách quan cũng đã được rút ra. Thành tích trong năm 2022 sẽ là câu trả lời chính xác nhất cho điều này.
Ông nghĩ sao về việc các cầu thủ Việt Nam trong thời gian gần đây dường như đều từ chối cơ hội xuất ngoại?
Trước hết tôi luôn ủng hộ việc xuất ngoại. Tuy nhiên không phải cứ xuất ngoại là sẽ thành công. Các CLB ở Việt Nam dường như chưa có chiến lược để đào tạo cầu thủ ra ngước ngoài và cá nhân các cầu thủ của chúng ta cũng còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế.
Ngoài yếu tố chuyên môn, các cầu thủ muốn xuất ngoại cần phải có ngoại ngữ tốt, cần biết sống tự lập ở một môi trường hoàn toàn khác. Có rất nhiều thứ cần phải thích nghi khi ra nước ngoài thi đấu. Đó cũng là điểm hạn chế của cả nền bóng đá Việt Nam nói chung.
Mục tiêu ra sang châu Âu chơi bóng là quá xa vời. Vì sao Chanathip thành công tại Nhật Bản? Vì anh ấy thực sự phù hợp với môi trường bóng đá ở đây. Mỗi giải đấu ở nước ngoài lại có những đòi hỏi và yêu cầu khác nhau. Chúng ta cần phải biết mình đang ở đâu để lựa chọn cho phù hợp.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện vừa rồi