Có phải tổ chức cứ bỏ ra thật nhiều tiền, mua về thật nhiều cái tên sừng sỏ là sẽ có ngay một đội tuyển eSports thành công?
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây ít lâu, giám đốc của đội tuyển Hanwha Life Esports (Kim Sang-ho) đã tiết lộ một sự thật gây sốc cho rất nhiều khán giả của giải đấu LMHT Hàn Quốc LCK.
Theo ông Kim, mức lương của các tuyển thủ tại LCK đã cao hơn cả cầu thủ bóng đá và bóng chày truyền thống (bóng chày được xem là môn thể thao vua tại Hàn Quốc). Điều này đã gây sốc cho các nhà tuyển dụng và buộc họ phải lên kế hoạch một cách nghiêm túc trong việc cân đối chi tiêu.
Ngay cả những tổ chức lớn như Hanwha Life Esports cũng không chịu nổi con số mà các tuyển thủ eSports tại Hàn Quốc đưa ra trong mùa chuyển nhượng vừa qua.
Chính vì vậy, họ đã lựa chọn phát triển các tài năng trẻ thay vì dồn tiền mua về những siêu sao - những cái tên vốn được cho là đảm bảo sức hút từ fan cũng như một thành tích cao tại giải đấu.
Nhìn vào bảng xếp hạng LCK Mùa Xuân năm nay, chúng ta có thể thấy ngay kết quả. Dẫn đầu vẫn là các đội tuyển quen mặt, sở hữu những cái tên quen thuộc. Trong khi đó, HLE với bộ khung tân binh đang chật vật ở vị trí thứ 7 với chỉ 2 trận thắng và 4 trận thua.
Ở một diễn biến khác, Gen.G Esports (đội vừa mang về toàn những cái tên hot nhất trên thị trường chuyển nhượng) đang tận hưởng vị trí hạng nhì, xếp trên cả DWG KIA - nhà đương kim vô địch của mùa giải trước.
Điều này khiến các khán giả như chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: Liệu cứ đập tiền vào mua những tuyển thủ giỏi nhất ở từng vị trí rồi ghép lại với nhau là sẽ có ngay một "dream team" siêu mạnh?
Câu trả lời là CÓ THỂ. Tuy nhiên, những nhà tuyển dụng, những tổ chức eSports cũng cần xem xét tới một yếu tố khác, đó là sự hòa hợp của tuyển thủ trong môi trường mới, cũng như khả năng ăn ý giữa những người đồng đội với nhau.
"Phối hợp ăn ý" là một kỹ năng không dễ gì để luyện tập và thường đòi hỏi thời gian dài để thành thục. Một line-up thường phải kề vai sát cánh với nhau ít nhất 2-3 mùa giải thì mới đạt thành sự "ăn ý hoàn hảo".
Trong những bộ môn đòi hỏi phối hợp đồng đội ở tốc độ cực cao như CS:GO, chỉ một hành động đơn giản hoặc một câu call ngắn gọn từ đồng đội là đủ để cả team biết phải làm gì và làm như thế nào.
Đội tuyển Đan Mạch Astralis là ví dụ điển hình của một đội tuyển sở hữu khả năng phối hợp đồng đội đạt đến mức thượng thừa. Mặc dù kỹ năng aim khá tệ nếu so với các đội tuyển top tier khác, Astralis vẫn chiến thắng và thống trị CSGO trong suốt một khoảng thời gian dài.
Điều này phần lớn là nằm ở kỹ năng phối hợp tốc độ cực cao cùng tư duy chiến thuật tốt, đồng bộ và ăn ý tới từ cả năm thành viên. Qua đó có thể thấy được việc thi đấu cùng nhau trong một khoảng thời gian dài có ảnh hưởng như thế nào tới sức mạnh tổng thể của cả team.
Tuy nhiên, không có nhiều đội tuyển eSports giữ được đội hình ổn định từ mùa giải này qua mùa giải khác. Trên thực tế, việc tuyển thủ "thay đội tuyển như thay áo" đã không phải là điều gì quá xa lạ.
Trước một lời đề nghị hấp dẫn hơn, một mức lương cao hơn, một đội tuyển có tiền đồ hơn, rất ít người lựa chọn ở lại và gắn bó.
Esports ở thời điểm hiện tại có một vài điểm khác biệt so với thể thao truyền thống. Trong các môn thể thao truyền thống như bóng đá hay bóng chày, vận động viên gắn bó với câu lạc bộ từ khi còn ở lò đào tạo và ký những bản hợp đồng với thời hạn lâu dài.
Tuy nhiên, thể thao điện tử lại là một môi trường năng động, cạnh tranh và không ngại thay đổi. Nếu một line-up không phù hợp, họ sẵn sàng đập đi làm lại hết.
Tuyển thủ ít bị ràng buộc bởi thời hạn hợp đồng, và đơn vị chủ quản cũng không mặn mà cho việc phát triển những người cũ - vốn không đem về cho họ các danh hiệu như kỳ vọng.
Tuy nhiên, điều này vô hình trung đã cản trở việc xây dựng thương hiệu của tổ chức cũng như làm giảm tính gắn kết giữa các thành viên, biến các giải đấu eSports thành cuộc thi xếp hình của những nhà tuyển dụng, ai có được những mảnh ghép vừa hơn, đẹp hơn sẽ có nhiều khả năng lên ngôi vô địch hơn.
Còn đối với khán giả, việc tuyển thủ chuyển nhượng một cách liên tục, nay áo xanh mai áo đỏ khiến họ chán nản và cố định lòng tin của mình cho một thương hiệu duy nhất, đó là cái tên của tuyển thủ thay vì tên của tổ chức eSports.
Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công việc kinh doanh của các đội tuyển. Họ không thể bán áo đấu và đồ lưu niệm nếu không đủ fan, họ không thể kiếm tiền từ quảng cáo và tài trợ khi không có đủ sự quan tâm cần thiết từ khán giả.
Các tổ chức eSports là nguồn lực cơ bản và là nền móng để xây dựng một môi trường thể thao điện tử lành mạnh, phát triển. Có lẽ đã đến lúc, các tuyển thủ cần xem xét một cách nghiêm túc về việc gắn bó lâu dài với một đội tuyển, trở thành gương mặt đại diện của tổ chức và một cái tên không thể nào thay thế.
Ở kỳ chuyển nhượng mùa giải năm nay, Faker đã từ chối lời mời trị giá 40 triệu USD từ TSM để tiếp tục gắn bó với màu áo đỏ của T1 - đội tuyển sát cánh cùng anh từ những ngày đầu.
Trong khi đó, Canyon và Showmaker cũng chọn ở lại với DWG KIA, thẳng thừng nói không với tất cả các đội tuyển khác. Showmaker thậm chí còn ấp ủ ý định trở thành gương mặt đại diện của DK, anh xem đây là một cách để khiến thương hiệu của cả hai cùng đi lên.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng có người đi rừng Đỗ "Levi" Duy Khánh - một gương mặt đã gắn bó với cái tên GAM Esports kể từ khi bắt đầu thành danh cho tới ngày anh nổi tiếng trên toàn thế giới.
Có lẽ lý do khiến cho cái tên Levi mãi được chú ý và yêu mến trong suốt những năm vừa qua một phần là bởi nó gắn liền với một thương hiệu lớn khác - GAM Esports.
Chỉ một hai năm nữa thôi là Levi cũng sẽ quá tuổi và giải nghệ, nhưng hình ảnh một đội trưởng Levi tươi cười trong màu áo vàng đen, đại diện cho Việt Nam chinh chiến khắp các giải đấu quốc tế sẽ mãi tồn tại trong ký ức của các fan hâm mộ LMHT.
Nếu nói eSports là một cuộc thi xếp hình, vậy tuyển thủ có thể chọn biến mình thành mảnh ghép cốt lõi, không thể nào thay thế được của team. Trong khi đó, các tổ chức cũng có thể tự ghép ra những bức tranh mới, từ những mảnh ghép mới. Có thể chúng không phổ biến, không hoàn hảo, nhưng chắc chắn là độc nhất vô nhị!
Áo dài Play Together đẹp miễn bàn, nhưng sao game thủ vẫn ném đá?