ĐTQG Việt Nam thường không có duyên với VAR nhưng cần nhìn nhận xem chúng ta đã đúng khi đổ thừa cho thứ công nghệ đó?
Việt Nam thua vì VAR?
Kể từ khi ra đời vào năm 2018, cho đến nay, VAR luôn là vấn đề gây ra sự nhức nhối đối với ĐTQG Việt Nam. Dường như, công nghệ này không có duyên với những trận đấu của binh đoàn áo đỏ. Hết lần này đến lần khác, thầy trò HLV Park Hang Seo luôn phải đón nhận những quyết định không mấy có lợi và ở trận gặp Oman vừa qua, Quế Ngọc Hải cùng các đồng đội tiếp tục bị thua bởi những bước ngoặt đến từ tổ trọng tài VAR.
Hầu hết, các tình huống mà cầu thủ Oman ngã ra đều được trọng tài người Jordan – ông Adham Makhadmeh ra hiệu để tham khảo công cụ video hỗ trợ vị vua áo đen. Từ đó, đội chủ nhà hưởng tới 2 quả phạt đền sau những tình huống phạm lỗi do Tấn Tài và Duy Mạnh. ‘Rồng Vàng’ như thể đang rơi vào tình cảnh éo le, trớ trêu đến mức thầy Park không thể tin nổi vào mắt mình. Hơn hết, VAR khiến cho các cầu thủ của Việt Nam trở nên ấm ức và bị ảnh hưởng bởi tâm lý.
Đây không phải là trận đấu duy nhất mà binh đoàn áo đỏ chịu bất lợi từ VAR. Trong 4 lượt trận đã qua tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, rất nhiều lần ĐTQG Việt Nam không được công nghệ này ủng hộ. Ở cuộc đối đầu với Saudi Arabia, Duy Mạnh phải nhận tấm thẻ vàng thứ 2 sau lỗi dùng tay chơi bóng, đó là một tình huống gây tranh cãi và được xem đi xem lại nhiều lần. Còn trong cuộc tiếp đón Australia trên sân Mỹ Đình, bóng chạm tay Grant nhưng rốt cuộc chúng ta cũng chẳng được hưởng một pha đá phạt đền.
Đồng ý rằng trọng tài đã phải cân nhắc rất kỹ, tham khảo luật trước khi đưa ra những quyết định của mình. Tuy nhiên, vẫn có thứ vận đen nào đó đang ‘ám’ vào ‘Rồng Vàng’. Dù vậy, đó là sự phũ phàng và nghiệt ngã từ VAR. Từ việc trọng tài chính cùng các trợ lý video dành hơn 3 phút để thảo luận về 2 khả năng mắc lỗi khác nhau trong bàn thắng của Nguyễn Tiến Linh cho đến những quyết định trao phạt đền cho Oman đều là hợp lý.
Từ đó mà ĐTQG Việt Nam rút ra thêm được nhiều bài học kinh nghiệm hơn. Sau 4 trận đấu cùng những thất bại. Chắc chắn thầy Park đã nhìn ra được một cách tổng thể về vấn đề mà các học trò đang gặp phải. Những sai số có lẽ sẽ ít hơn ở lượt trận sắp tới.
Những bước tiến lớn cho V-League?
Nhìn nhận lại những tình huống phạm lỗi của ĐTQG Việt Nam dẫn đến phạt đền trong trận đấu với Oman, nhiều người cho rằng V-League phải thực hiện những sự cải tiến lớn, thậm chí là nó nên đến sớm hơn. Đó là trang bị thêm công cụ video hỗ trợ trọng tài – VAR nhằm giúp các vị vua áo đen tránh sai sót hay các cầu thủ giảm thiểu được những pha bóng tiểu xảo của mình.
Đầu mùa giải 2019, Công ty cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã lên kế hoạch sẽ sử dụng VAR ở những trận cầu tâm điểm, hoặc những trận đấu có ảnh hưởng tới cuộc đua vô địch hay trụ hạng. Chuẩn bị cho kế hoạch đó, VPF cũng tham khảo nhiều mô hình VAR để triển khai nhưng do chi phí quá đắt đỏ mà chưa thể thực hiện hóa được.
Để rồi, các cầu thủ thường xuyên lạm dụng những tình huống tay ‘thừa’ nhằm dằn mặt đối thủ cũng như qua được mắt thường của trọng tài. Tuy nhiên, những pha bóng đó sao có thể lọt qua được mắt của các vị vua áo đen tại vòng loại thứ 3 World Cup, nhất là khi họ còn được công cụ video hỗ trợ ‘nhiệt tình’. Tấn Tài hay Duy Mạnh đều đã vung tay quá thô khiến đội bóng phải chịu sự thất thiệt.
Nhìn sang Thái Lan, họ đã áp dụng VAR tại Thai League và phần nào ‘Bầy voi chiến’ ở các sân chơi lớn không phải nhận những quyết định bất lợi từ tổ trọng tài công nghệ do thói quen xấu đã được xóa bỏ. Nhận rõ được điều này, Futsal Việt Nam đang dần cải tiến và đưa công cụ VS vào các giải đấu của nước nhà. Bởi vậy mới nói, VPF nên sớm đưa VAR vào V-League, dẫu có khó khăn nhưng đó là phương án phù hợp để những động tác ‘thừa’ tránh lặp lại.