Thủ thành số 1 ĐTVN sang xứ sở hoa anh đào chơi bóng mang đang đến sự kỳ vọng lớn tới các CĐV. Nếu anh thành công, các cầu thủ khác tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhất là khi Sài Gòn FC vừa ký kết lâu dài với đối tác Nhật.
Nhiều cầu thủ Việt Nam sẽ được xuất ngoại
Mới đây, Sài Gòn FC đã ký kết và trở thành đối tác chiến lược với FC Ryukyu, CLB đang thi đấu tại J-League 2, thông tin này khiến cho nhiều CĐV bóng đá trong nước và đặc biệt là các cầu thủ của Việt Nam phải cảm thấy vui mừng, hào hứng, nó sẽ mở ra một trang mới sáng lạn hơn khi việc trao đổi những nhân tố triển vọng giữa hai nước dần trở nên dễ dàng.
Theo đó bầu Bình chia sẻ thẳng thắn rằng: “Trong mùa giải 2021, hai cầu thủ do đội cử sang sẽ được đăng ký thi đấu trong màu áo FC Ryukyu ở giải J-League 2”. Đến năm 2022, số lượng cầu thủ người Việt được thử sức tại Nhật Bản sẽ tăng lên từ 4-6 và 2023 trở đi con số ấy ngày càng nhiều thêm.
Trong đội hình CLB phía Nam, dễ dàng nhận thấy cái tên nổi bật có khả năng xuất ngoại thời gian tới không ai khác ngoài Cao Văn Triền, phát hiện mới của HLV Park Hang Seo. Cầu thủ số 23 hội tụ đầy đủ mọi yếu tố như tiềm năng, bản lĩnh, nghiêm túc, kỷ luật và nề nếp. Tuy nhiên, khó nói trước Văn Triền là cái tên được lựa chọn bởi bầu Bình nói thêm rằng không nhất thiết người xuất ngoại phải từ CLB Sài Gòn mà cầu thủ thuộc đội bóng khác cũng có thể ‘lên đường’ nếu phù hợp.
Giờ đây, việc kết nối với các đội bóng Nhật Bản không còn là mang tính thương mại, truyền thông mà còn là điều kiện cũng như cơ hội cho các cầu thủ Việt Nam trải nghiệm tại môi trường khắc nghiệt khu vực Châu Á. CLB Sài Gòn như cây cầu đưa nguyện vọng của Văn Toàn hay nhiều nhân tố đẳng cấp khác được thành hiện thực bởi tiền đạo gốc Hải Dương từng bày tỏ anh rất thích thú và muốn thử sức mình tại đất nước mặt trời mọc.
Văn Lâm thành công là bước đệm cho sự tự tin
Gần đây nhất, thủ thành số 1 ĐTVN đã cập bến thành công Cerezo Osaka, CLB đang thi đấu tại J-League 1. Màn trình diễn của Văn Lâm sẽ có tác động không nhỏ tới việc mở đường cho ‘làn sóng’ cầu thủ Việt mạnh dạn sang Nhật chơi bóng, bởi trước đó không nhiều người thành công ở đấu trường đầy thách thức này.
Năm 2013, Lê Công Vinh, tiền đạo có 51 bàn thắng cho “Những chiến binh sao vàng” gia nhập Consadole Sapporo. Cũng trong năm ấy, cả Đức Huy và Duy Mạnh đã được cử sang thử việc tại đó. Tới 2016, hai tài năng trẻ sáng giá nước nhà là Công Phượng lẫn Tuấn Anh có chuyến ‘tha hương’ lần lượt tới Mito Hollyhock và Yokohama. Tuy nhiên trong đó, chỉ có Công Vinh là người để lại được dấu ấn, số còn lại đều chịu cảnh lận đận, dẫn đến các cầu thủ cảm thấy sợ hãi với những chuyến xuất ngoại.
Rút kinh nghiệm từ bài học đó, bầu Bình thừa nhận trình độ của các cầu thủ Việt Nam chưa đủ để đáp ứng tại J-League 1 mà thay vào đó sẽ tạo điều kiện sang J-League 2, giải đấu mà FC Ryukyu đang tham gia. Đó là môi trường vừa sức hơn cho những người được xuất ngoại, ông muốn các cầu thủ thi đấu thực tế nhiều hơn thay vì phải tập chay rồi về nước, qua đó tạo nên sự tự tin cũng như tích lũy nhiều kinh nghiệm.
Sự hợp tác lâu dài cùng với các CLB đến từ Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội mới mẻ cho các cầu thủ Việt Nam và thành công của Văn Lâm mang sự khích lệ lớn tới những con người mơ cao nhưng chưa dám thực hiện.