Thể Thao 247 - Một trong những ngôi sao bị đối xử bất công nhất của bóng đá Việt Nam có lẽ là Văn Quyết. Với tài năng của mình, đáng lẽ ra Văn Quyết phải nhận được nhiều hơn sự ủng hộ từ phía các CĐV nước nhà.
>>> VIDEO: Siêu phẩm của Văn Quyết vào lưới Manchester City. Nguồn: CLB Hà Nội T&T
Văn Quyết trưởng thành đúng vào giai đoạn bóng đá Việt Nam đi vào thoái trào sau đỉnh cao với chức vô địch AFF Cup 2008. Ở tuổi 21, anh lần đầu tiên tham dự một kỳ AFF Cup vào năm 2012, đồng thời chính anh cũng là người đeo băng đội trưởng U23 Việt Nam tham dự SEA Games 2013. Có thể nói đó là 2 giải đấu để lại những nốt trầm trong sự nghiệp của Văn Quyết khi Việt Nam đều bị loại cay đắng từ vòng bảng.
Cho đến AFF Cup 2014, ở trận bán kết lượt đi trên đất Malaysia, Văn Quyết cùng các đồng đội giành chiến thắng ấn tượng với tỉ số 2-1 và chiếm lợi thế rất lớn. Thế nhưng ở trận đấu lượt về, mặc dù được thi đấu trên SVĐ Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam đã phải nhận thất bại trong một trận cầu có tới 6 bàn thắng. Dừng chân cay đắng tại bán kết, mọi chỉ trích lúc này đổ dồn lên vai người đeo băng đội trưởng là Văn Quyết.
Thất bại của Việt Nam thời điểm đó cùng sự toả sáng của lứa cầu thủ U19 trưởng thành từ Học viện HAGL Arsenal JMG đã đẩy Văn Quyết cùng các đồng đội lùi ra sau sân khấu. Rõ ràng Văn Quyết là một cầu thủ tài năng và hội tụ đầy đủ tố chất của một thủ lĩnh. Chẳng phải tự nhiên mà Văn Quyết là người đeo băng đội trưởng của đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của rất nhiều HLV, từ ông Toshiya Miura cho đến ông Nguyễn Hữu Thắng, hay kể cả ông Park Hang Seo.
Tại ASIAD 2018, giải đấu mà đội tuyển Olympic Việt Nam đã xuất sắc cán đích trong top 4 đội bóng mạnh nhất. Văn Quyết là một trong những ngôi sao chơi hay nhất giải đấu đó. Anh ra sân cả 7 trận, trong đó có 5 lần đá chính, đóng góp 2 bàn thắng vào lưới Pakistan và UAE. Quan trọng hơn, Văn Quyết đã hoàn thành tốt vai trò của một chủ công, một người đàn anh dẫn dắt những cầu thủ trẻ tại giải đấu này.
Văn Quyết đã nhận được sự khen ngợi từ chính đối thủ. HLV Samir Chammam của Olympic Bahrain và Hajime Moriyasu của Olympic Nhật Bản đều đồng tình cho rằng Văn Quyết là cầu thủ xuất sắc nhất bên phía Olympic Việt Nam. Để nhận được những lời khen đó, rõ ràng Văn Quyết “không phải dạng vừa”, điều mà anh sở hữu chính là điều quan trọng nhất: hiệu quả.
Văn Quyết thi đấu với vai trò hộ công cùng chiếc áo số 10. Điều này khiến cho người hâm mộ liên tưởng đến một cầu thủ nhanh nhẹn, khéo léo với những pha đi bóng hoa mỹ hay những tình huống qua người đẹp mắt.
Nhưng điểm mạnh của Văn Quyết lại đến từ những pha xử lý bóng đơn giản và hiệu quả. Anh dứt điểm và chuyền tốt bằng cả 2 chân, khả năng sút xa ấn tượng. Không ít lần Văn Quyết vung chân ở ngoài vòng cấm và lập siêu phẩm, cả trong màu áo đội tuyển cũng như CLB Hà Nội. Tính đến thời điểm này, Văn Quyết là 1 trong 4 cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam với 13 bàn thắng, chỉ kém Công Vinh (51 bàn), Huỳnh Đức (28 bàn), Hồng Sơn (16 bàn). Khác với những người đàn anh, nên nhớ Văn Quyết chỉ là một hộ công chứ không phải một tiền đạo cắm.
Ngoài ra, Văn Quyết cũng cực kỳ “hữu dụng” trong thế trận mà đội bóng của anh bị đánh giá ở “cửa dưới”. Rất ít cầu thủ tấn công có khả năng tranh bóng tốt như Văn Quyết, cộng với nền tảng thể lực dồi dào, đội bóng như có thêm một “tiền vệ phòng ngự” bên phần sân đối phương mỗi khi phải “đuổi bóng”.
Những tiền đạo từng thi đấu bên cạnh Văn Quyết, từ Công Vinh trong màu áo đội tuyển hay Hoàng Vũ Samson của Hà Nội cũng đều dành cho Văn Quyết những sự tôn trọng. Trên tất cả, anh là một người thi đấu hết sức đồng đội. Hiếm khi Văn Quyết bị trách cứ vì một tình huống xử lý bóng cá nhân. Với anh, mình có ghi bàn hay không không quan trọng, quan trọng là đội bóng phải giành được chiến thắng.
Sau khi toả sáng tại ASIAD 2018, Văn Quyết tiếp tục được HLV Park Hang Seo tin tưởng với chiếc băng đội trưởng ở AFF Cup 2018. Anh trở thành cầu thủ được dự AFF Cup nhiều nhất với tổng số 4 lần, trước đó là các năm 2012, 2014 và 2016. Tuy vậy, AFF Cup 2018 là một giải đấu không thành công của Văn Quyết.
Một trong những lý do dẫn đến màn trình diễn đáng thất vọng này đó là Văn Quyết thật sự đã quá tải ở thời điểm đó. Anh cùng Hà Nội FC đã có một mùa giải V-League thành công trong năm 2018 nhưng với một cầu thủ không còn trẻ như Văn Quyết, thể lực rõ ràng là một vấn đề lớn khi anh phải cày ải trên quá nhiều đấu trường. Nên nhớ rằng, Văn Quyết chính là cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2018.
Và một lý do nữa có lẽ đến từ chính các CĐV, những người luôn dành cho Văn Quyết một sự không công bằng. Khi anh toả sáng, họ coi đó là một chuyện đương nhiên. Khi anh mắc sai lầm, tất cả đổ dồn vào chỉ trích.
Ở Asian Cup 2019, HLV Park Hang Seo đã loại những lão tướng như Anh Đức và Văn Quyết khỏi đội hình. Vị chiến lược gia người Hàn Quốc muốn sử dụng những nhân tố trẻ nhằm ổn định đội bóng để hướng đến vòng loại U23 châu Á 2020, SEA Games 30 và xa hơn nữa là Olympic 2020. Anh vẫn chưa có cơ hội trở lại đội tuyển Việt Nam kể từ thời điểm đó và ngay cả giải đấu King’s Cup 2019 sắp tới, Văn Quyết cũng khó được triệu tập vì anh đang không đạt phong độ cao tại V-League.
Tuy nhiên “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Dù Văn Quyết đã sa sút nhưng anh vẫn là một biểu tượng của CLB Hà Nội, biểu tượng của bóng đá Việt Nam một thời. Hãy dành cho Văn Quyết sự tôn trọng và chờ đợi ngày anh trở lại trong màu áo đội tuyển.