Thể Thao 247 - Bên cạnh những ưu điểm, đội tuyển Thái Lan cũng tồn tại nhiều nhược điểm mà Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác.
>>> VIDEO: Highlights: Thái Lan 1-2 Trung Quốc (vòng 16 đội Asian Cup 2019)
Lối chơi bóng hiện đại và hiệu quả
Đội tuyển Thái Lan bước vào King’s Cup 2019 lần này với một đội hình cực kỳ chất lượng. Khác với đội tuyển Việt Nam, thứ bóng đá mà Thái Lan đang theo đuổi tương đối hiện đại và mang nhiều nét tương đồng với CLB Tottenham Hotspur, đội bóng đã vào đến chung kết Champions League ở mùa giải này.
Thái Lan chơi bóng nhanh, không rườm rà trong những pha phối hợp hoặc xử lý bóng, họ tổ chức phòng ngự và tấn công đều đơn giản và không quá quyết liệt. Tại Asian Cup 2019, sau tổng cộng 4 trận đấu, Thái Lan đã ghi được 3 bàn thắng, tất cả đều đến từ những pha phối hợp tấn công đơn giản hay những tình huống cố định. Họ không tổ chức tấn công quá dồn dập nhưng hiệu quả là điều mà Thái Lan vẫn có được.
Không thể không nhắc đến tiền đạo Adisak Kraisorn, người từng ghi được 7 bàn thắng chỉ sau 2 trận đấu tại AFF Cup 2018. Cầu thủ này là tiền đạo toàn diện nhất mà bóng đá Thái Lan đang sở hữu với khả năng dứt điểm đa dạng, từ đánh đầu, chọn vị trí, chớp thời cơ, dứt điểm bằng chân không thuận... Tất cả các kỹ năng của một tiền đạo đều được hội tụ đầy đủ.
Hàng phòng ngự
Nhắc tới Thái Lan, các CĐV thường nghĩ đến một đội bóng có sức tấn công mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đó đã là hình ảnh của đội tuyển Thái Lan trong quá khứ. Ở thời điểm hiện tại, hàng phòng ngự mới là điểm tựa lớn nhất của đội bóng này.
Trong cuộc đối đầu với Bahrain và UAE tại Asian Cup 2019, hai trận đấu có tính chất quyết định đến tấm vé đi tiếp của Thái Lan. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ với chỉ một bàn thắng trong mỗi trận đấu. Không thể phủ nhận hàng phòng ngự của Thái Lan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi chỉ để lọt lưới duy nhất 1 bàn. Thái Lan cho thấy họ không chỉ hay khi là đội bóng áp đặt lối chơi mà còn rất lợi hại khi thi đấu rình rập.
Chanathip Songkrasin
Để chỉ ra một cầu thủ có khả năng thay đổi cục diện trận đấu mà đội tuyển Thái Lan đang sở hữu trong đội hình, đó chính là cái tên Chanathip Songkrasin. Không phải tự nhiên khi truyền thông Thái Lan lo sốt vó với thông tin Chanathip gặp phải chấn thương và có nguy cơ bỏ lỡ King’s Cup. Tất cả đều hiểu vai trò quan trọng của Chanathip với đội tuyển Thái Lan vào thời điểm này. Trong 4 bàn thắng mà người Thái ghi được tại Asian Cup 2019, Chanathip in dấu giày với 1 bàn và 1 đường kiến tạo. Không có Chanathip trong đội hình, Thái Lan thi đấu rời rạc và dễ dàng gục ngã trước Malaysia tại AFF Cup 2018.
Khó đá khi gặp đối thủ thi đấu pressing
Tất cả những nhược điểm lớn nhất của đội tuyển Thái Lan đã được phơi bày trong trận thua 1-4 trước Ấn Độ tại Asian Cup 2019. Họ gặp rất nhiều khó khăn trước lối chơi áp sát “rát” và giàu thể lực của các cầu thủ Ấn Độ. Kể cả Chanathip Songkrasin khi đó đang ở phong độ cao cũng không thể hoàn thành vai trò kết nối các vệ tinh xung quanh.
Đó không phải là lần đầu tiên Thái Lan gặp khó khăn trước các đội bóng chơi pressing. Trước đó tại AFF Cup 2018, Thái Lan cũng gục ngã trước Malaysia với lối chơi tương tự.
Khả năng chống bóng bổng không tốt
Thái Lan đã bị loại khỏi Asian Cup 2019 bởi Trung Quốc bằng 2 bàn thua, với bàn thắng quan trọng san bằng tỉ số đến từ một tình huống bóng bổng. Hàng phòng ngự của họ tỏ ra lép vế hoàn toàn khi tranh chấp trên không với các tiền đạo Trung Quốc, mặc dù thể hình của đối thủ chỉ ở mức tương đồng. Các trung vệ Thái Lan tỏ ra yếu kém trong khả năng bật nhảy tranh chấp và đặc biệt là chọn điểm rơi của trái bóng. Trung Quốc không tấn công nhiều nhưng chỉ với 1 pha tạt bóng đơn giản, họ đã có được tấm vé để bước vào vòng tứ kết và tiễn đội tuyển Thái Lan về nước.
Sự tự tin thái quá của Thái Lan
Thái Lan có truyền thống tự tin trước khi bước vào mỗi trận đấu của họ. Tuy nhiên ranh giới giữa tự tin và tự tin thái quá là rất mong manh và chính Thái Lan đã phải trả giá cho điều đó. Trước khi Asian Cup 2019 khởi tranh, Thái Lan tuyên bố đặt mục tiêu vượt qua vòng bảng với cả 3 trận toàn thắng. Thực tế đã diễn ra hoàn toàn không như dự kiến của họ. Ngay trong trận ra quân, Thái Lan phơi áo trước Ấn Độ với tỉ số 1-4. Ấn Độ là đội bóng xếp thứ 97 trên BXH FIFA khi đó và cao hơn rất nhiều so với Thái Lan, tuy nhiên đội bóng xứ sở Chùa Vàng lại đánh giá quá thấp đối thủ và tự tin chơi tấn công với không có một tiền vệ phòng ngự nào trong đội hình. Hậu quả thì ai cũng đã rõ.
Trước khi King’s Cup 2019 khởi tranh cũng vậy. Đội tuyển Thái Lan nói rằng họ sẽ đánh bại Việt Nam để khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á. Có vẻ như họ vẫn chưa quên bài học ở vòng loại U23 châu Á 2020 khi U23 Thái Lan với khí thế bừng bừng đã dễ dàng gục ngã trước U23 Việt Nam không quá nổi bật trước đó, tất cả đều bắt nguồn từ nguyên nhân đánh giá sai đối thủ.
Để đánh bại đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo không phải là một điều dễ dàng. Nếu tiếp tục có những nhận định sai về đối thủ, chắc chắn đội tuyển Thái Lan sẽ phải trả một cái giá rất đắt.
>>> Xem thêm: 5 cái tên của Thái Lan mà Việt Nam phải dè chừng
>>> Xem thêm: Thái Lan triệu tập đội hình khủng quyết đấu Việt Nam