Uruguay đã xuất sắc giành ngôi đầu bảng từ nhà ĐKVĐ Chile bằng lối chơi cực kì thuyết phục. Tại Copa lần này, La Celeste cho thấy họ là ứng cử viên vô địch nặng kí không kém gì Brazil và Argentina.
VIDEO: Highlight Chile vs Uruguay
Uruguay đã xuất sắc giành ngôi đầu bảng từ nhà ĐKVĐ Chile bằng lối chơi cực kì thuyết phục. Tại Copa lần này, La Celeste cho thấy họ là ứng cử viên vô địch nặng kí không kém gì Brazil và Argentina.
Có một Atletico giữa lòng Nam Mỹ
Có thể nói lối chơi của Uruguay và Atletico Madrid có một sự tương đồng lớn về cách sắp xếp sơ đồ chiến thuật, cách vận hành và xoay trở của cac nhân tố trong từng mét vuông sân.
Đầu tiên về mặt sơ đồ, cả Atletico và Uruguay đều sử dụng sơ đồ 4-4-2 mà nhìn qua người ta có thể lầm tưởng cách vận hành nó giống như các đội bóng Anh truyền thống hay sử dụng. Đó là chạy và tạt.
Nhưng không, sơ đồ này là một biến thể mà khi phòng thủ, 3 tuyến trên sân co lại với cự li gần nhất có thể. Tuyến phòng thủ đầu tiên chính là các tiền đạo.
Nếu như ở Atletico, sự ma mãnh và có phần "gàn dở" của Diego Costa là vũ khí cực mạnh cho cả 2 mặt trận công thủ của HLV Simeone. Thì tại Uruguay, cặp đôi Cavani và Suarez đơn giản là nỗi sợ hãi của mọi hàng thủ vì sự láu cá và dạn dĩ của mình.
Luis Suarez đã quá nổi tiếng với những chiêu trò từ ăn vạ, khiêu khích thậm chí là chơi bẩn. Đến các hậu vệ lừng danh châu Âu còn phải kiêng dè mỗi khi đối đầu tiền đạo thuộc biên chế Barcelona. Ngày hôm qua 24/6 cũng là ngày tròn 5 năm dịp Suarez cắn vào bả vai Chiellini, một sự kiện nổi tiếng tại World Cup 2014 mà bất cứ tín đồ bóng đá nào cũng đã từng nghe đến.
Còn Edison Cavani, anh làm nên tên tuổi ở đội bóng miền Nam Italia nắng gió, tại thành phố của Mafia - Napoli. Biệt danh El Matador (Võ sĩ đấu bò) đã nói lên tất cả về tiền đạo có vẻ ngoài như một thổ dân Nam Mỹ này.
Khu trung tuyến, lại một đặc điểm giống nữa khi cả Simeone và Oscar Tabarez đều có xu hướng sử dụng 2 tiền vệ trung tâm lùi sâu, như những chiếc mỏ neo ghim hàng tiền vệ thấp và gần hơn với hàng thủ. Tại Uruguay, Vecino/Bentancur/Torreira luân phiên cho 2 vị trí tiền vệ trung tâm này, còn tại Atletico là bộ 3 Rodri, Thomas Partey và Saul.
Một cái tên đáng chú ý khác là Valverde - tiền vệ thuộc biên chế Real Madrid cũng cho thấy tiềm năng trong lối vận hành của Uruguay. Anh đã có trận ra sân chính thức đầu tiên tại Copa trong cuộc đối đầu Chile rạng sáng nay.
Ở hàng thủ là nơi dễ nhận thấy nhất sự tương đồng bởi ông Oscar Tabarez "bê" nguyên bộ đôi Godin-Gimenez của Atletico lên tuyển. Tại Uruguay, hàng thủ với nòng cốt Godin-Gimenez chính là bệ phóng cho các đồng đội phía trên. Thậm chí, hai trung vệ thép giỏi không chiến này đôi lúc còn tự mình giải quyết trận đấu với những cú đánh đầu chết chóc từ trên không.
Hai chiến lược gia Nam Mỹ đậm chất châu Âu
Nói đến Nam Mỹ người ta nghĩ đến ngay những pha bóng ngẫu hứng, những cú qua người khiến khán giả trầm trồ cùng những nghệ sĩ thực sự trên sân cỏ. Thế nhưng 2 chiến lược gia một người Argentina, một người Uruguay lại muốn đóng vai kẻ phản diện khi làm kẻ thủ của vẻ đẹp và sự ngẫu hứng - đó là sự chặt chẽ, thực dụng đến kinh người.
Ở Atletico, Simeone yêu cầu các cầu thủ phòng ngự ngay từ tuyến đầu. Từ tiền đạo, cho đến 4 tiền vệ rồi tới bộ tứ hàng thủ.
Cự li trong đội hình 4-4-2 của chiến lược gia người Argentina được thu hẹp hết mức mỗi khi đội bóng ở thế phòng thủ. Nói không ngoa, cầu thủ tấn công nào lọt vào trận địa ở khu vực "yết hầu" (khu vực khoảng không giữa 2 trung vệ và 2 tiền vệ trung tâm), không khác gì bị nhốt trong một chiếc lồng 4 cạnh.
Simeone là thế, lối chơi 4-4-2 giúp ông liên tiếp tạo ra những "chiếc lồng" kìm kẹp mọi cầu thủ non gan nào lạc vào trong trận địa này.
Ở Uruguay cũng vậy, HLV Oscar Tabarez sử dụng các tuyến tấn công-phòng thủ linh hoạt và gần sát nhau khiến không gian chơi bóng của các cầu thủ sáng tạo bên phía đối phương luôn ở trạng thái bị bóp nghẹt.
Chủ động "giăng lưới", quây bắt và dồn đối phương vào những không gian nhỏ hẹp, bị kìm kẹp bởi những tay "rắn mặt" là cách mà 2 vị HLV cá tính này áp dụng.
Mourinho trong giai đoạn đỉnh cao cùng Inter cũng đã sử dụng rất thành công phương án này với bộ thủ bao gồm cặp Lucio-Samuel và tuyến trên với Cambiasso-Thiago Motta.
Nhân chuyện nói về việc Simeone và Tabarez tạo ra những "chiếc lồng" 4 cạnh từ cách bố trí các cầu thủ trong sơ đồ 4-4-2, xin nhắc một chút về Pep Guardiola, một người cũng rất đam mê việc sắp xếp các học trò đứng vị trí và di chuyển tạo thành những tam giác nhỏ khi luân chuyển bóng, vị HLV người Tây Ban Nha này sử dụng sơ đồ 4-3-3.
Tiềm năng nào cho Uruguay?
Để lọt lưới 2 bàn sau 3 trận vòng bảng, trong đó có 2 trận trắng lưới. Có vẻ như thông số này chưa thực sự ấn tượng với cách người viết diễn giải ở trên. Nhưng thực sự thứ mà Uruguay đem đến trong lối chơi đó là sự chủ động, các cầu thủ biết mình phải làm gì, chơi như thế nào?
Nếu như Brazil lạc lối trong cách tìm kiếm đường vào khung thành đối phương khi mất Neymar (trận đầu Brazil hoàn toàn bất lực trước Bolivia, chỉ có thể có bàn sau khi được hưởng penalty. Còn trận gặp Venezuela, các chân sút Vàng Xanh hoàn toàn không có lời giải cho việc tìm bàn thắng). Những đôi chân của các vũ công Samba chỉ có thể nhảy múa được trước Peru ở lượt đấu cuối cùng.
Còn Argentina, họ là đội bóng hạt giống có màn trình diễn tệ nhất trong số các ông lớn. 1 thua 1 hòa và 1 trận thắng tối thiểu, cả vòng bảng ghi 2 bàn. Argentina không cho thấy sức mạnh thực sự dù được đánh giá cao tại giải lần này.
Với việc Argentina nhì bảng B và sẽ nằm cùng nhánh với Brazil, 2 đội bóng này có thể sẽ phải đối đầu với nhau ngay tại bán kết. Điều này đồng nghĩa với việc Uruguay hoàn toàn có cơ hội sáng sủa để đi một mạch đến trận chung kết mà không phải đối đầu với 2 đối thủ mạnh nhất.
Nếu vượt qua Peru, La Celeste sẽ gặp lại Chile hoặc đối đầu Colombia, đội bóng có phong độ tốt nhất tại vòng bảng.
Với lộ trình này, nếu duy trì sự tập trung và phát huy đúng lối chơi đặc sản, Uruguay sẽ có lần đầu tiến gần đến chức vô địch Copa America kể từ sau vinh quang của những Suarez, Forlan cách đây tròn 8 năm.
>> Sao Chile tung cước hạ CĐV gây rối tại Copa America
>> Vùi dập Ecuador 4 bàn trắng, Uruguay chiếm ngôi đầu bảng C