Thể Thao 247 - Sarri là một HLV có tài còn Chelsea là một đội bóng lớn, nhưng cách chinh phục mục tiêu của họ không chung một con đường. Đơn giản thôi, vì đây là mối lương duyên không thuộc về nhau.
Đêm qua, Chelsea thua Manchester United 0-2 tại sân nhà. Trong lúc tình hình đang đầy căng thẳng tại Stamford Bridge thì thất bại này như một báo động đỏ đến Sarri. Ngày chiến lược gia người Ý rời Chelsea không còn xa.
2 trận thua thảm hại trước các đội bóng thành Manchester đến liên tiếp trong hơn 1 tuần. Đó không đơn giản chỉ nhận kết quả thua cuộc mà còn bộc lộ tinh thần thi đấu thiếu nhiệt huyết của các cầu thủ áo xanh và sự thờ ơ đến kì lạ của Sarri trên băng ghế dự bị.
Cựu HLV Napoli cứ giữ cái hình ảnh quen thuộc từ đầu mùa đến giờ: hút thuốc và ngồi trên ghế huấn luyện viết thứ gì đó. Nhưng sau mọi ghi chép của ông, Chelsea vẫn là một đội bóng thiếu sức sống. Họ nghèo nàn trong ý đồ tấn công và hệ thống phòng ngự luôn chệch choạch đến mức làm thót tim những ai yêu mến The Blues.
Chelsea thất bại nhiều là thế nhưng HLV trưởng đội bóng quyết sử dụng mỗi đội hình 4-3-3 trong mọi hoàn cảnh. Chiến lược gia người Ý chưa bao giờ có ý định áp dụng một đội hình khác tại Chelsea và luôn khẳng định các cầu thủ của ông cần thời gian để thích nghi. Nhưng nếu cứ đá thế này, liệu ông có còn thời gian chứng kiến các cầu thủ Chelsea thích nghi với đứa con Sarri-ball của mình?.
Sự bảo thủ của Sarri đang khiến Chelsea sắp có một mùa giải vứt đi và giết chết danh tiếng ông từng tạo nên ở Napoli. Ông bảo thủ trong cách thay người lẫn sử dụng nhân sự. Quá ưu ái trò cưng Jorginho vô tình hạn chế sở trường của Kante - chuyên gia đánh chăn xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh. Cầu thủ người Pháp được Sarri cho đá với vai trò là một tiền vệ con thoi, không chỉ có mỗi nhiệm vụ phòng ngự như thời Conte. Chính điều đó làm hàng thủ của Chelsea mênh mông hơn bao giờ hết khi Jorginho giỏi nhìn bóng hơn là đuổi bóng. Lúc Kante kịp chạy về bọc lót cho hàng thủ cũng là lúc Kepa đã vào lưới nhặt bóng.
Ngoài ra, cách thay cầu thủ của ông cũng đặt dấu hỏi cho nhiều người. Cựu chiến lược gia Napoli chỉ thay người theo kiểu 1 thế 1, chứ không hề có sự thay đổi đột biến đáng nói. Kể cả khi đội nhà bị dẫn trước, ông vẫn giữ nguyên sơ đồ 4-3-3 với một tiền đạo nhưng không dám mạo hiểm sử dụng 2 trung phong cùng lúc. Tiền vệ thay tiền vệ, tiền đạo thế tiền đạo. Đó là điều thường xuyên thấy mỗi khi Sarri thay đổi người. Phải chăng ông quá thận trọng trong những vấn đề thay đổi nhân sự của mình?.
Đặc biệt trong trận đấu ngày hôm qua gặp MU, Zappacosta được tung vào sân đá trám vị trí của Azpilicueta. Chelsea đang thua nhưng người thầy 60 tuổi này có một quyết định thay người cực khó hiểu, dù trên ghế dự bị còn Hudson-Odoi trẻ trung và đầy tài năng. Là vì ông có lí do cho việc đó hay vì áp lực sa thải đang lơ lửng khiến ông không còn giữ được sự sáng suốt?.
Rất nhiều câu hỏi đặt ra dành cho ông thầy của Chelsea nhưng có lẽ chẳng mấy CĐV quan tâm đến đáp án, vì họ đang chán ngấy Sarri-ball hơn bao giờ hết. Liên tiếp câu hát “F*** Sarri-ball” được vang lên tại Stamford Bridge đêm qua cũng hiểu được CĐV The Blues đang mất kiên nhẫn. Những lời xin lỗi của HLV người Ý cũng sắp làm ban lãnh đạo Chelsea không tin tưởng ông.
Trước giờ, Abramovich luôn mong Chelsea có một lối đá đẹp mắt, phóng khoáng và mãn nhãn NHM. Đó là lí do mà chủ tịch người Nga tìm đến Sarri-ball ở Ý. Thoạt nhìn ban đầu, ngỡ họ dành cho nhau vì cùng theo đuổi bóng đá tấn công nên Abramovich có thể hài lòng khi Sarri cập bến Chelsea. Mối lương duyên này cũng làm tất cả mọi người mơ về tương lai tốt đẹp cho chủ sân Stamford Bridge. Nhưng càng về cuối mùa, kết quả trái ngược hoàn toàn.
Bây giờ, Chelsea chẳng khác gì một đội bóng một màu và cực dễ bị bắt bài. Họ thi đấu nhiều bao nhiêu thì vấn đề của đội bóng được phơi ra lớn bấy nhiêu. Cỏ cảm tưởng đội bóng áo xanh đang cố gắng thoát ra khỏi vũng lầy nhưng cứ vùng vẫy, họ càng bị chìm sâu hơn trong đó.
Giống như biết bao cặp vợ chồng ngoài đời sống. Ban đầu đến với nhau chỉ nhìn thấy cái đẹp, cái tốt vì trong thâm tâm của cả 2 đều hạn chế lộ ra những điểm xấu để đối phương nhìn thấy. Khi về chung một mái nhà, dần dần cái xấu đó cũng bị người kia phát hiện. Khác biệt ở đây, nếu họ vẫn chấp nhận được và hòa hợp được tật xấu của đối phương, họ mới tiếp tục đi cùng nhau trên chặng đường tiếp theo. Còn không, li dị là phương án tốt đẹp nhất cho cả 2.
Ở trường hợp giữa Sarri-Chelsea cũng thế. Có vẻ giải pháp thứ 2 đang được nhiều người nghĩ đến ngay lúc này. Thực ra Sarri là một HLV có tài còn Chelsea là một đội bóng lớn rất nhiều ngôi sao nhưng cách chinh phục mục tiêu của họ không chung một con đường. Đơn giản thôi, vì đây là mối lương duyên không thuộc về nhau.