Từ 1/1/2020, mức xử phạt tăng lên gấp đôi khi chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe.
Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ vừa chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 nêu rõ mức xử phạt tăng lên gấp đôi khi chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển hoặc được thừa kế.
Cụ thể, theo quy định mới, các cá nhân có thể bị phạt từ 2 – 4 triệu đồng khi không làm thủ tục đăng ký sang tên các loại ô tô. Hành vi này đối với với tổ chức sẽ bị phạt từ 4 – 8 triệu đồng. Mức xử phạt theo quy định mới tăng gấp đôi so với quy định trước đây.
Tương tự, đối với chủ xe máy, việc không làm thủ tục đăng ký sang tên xe có thể bị phạt từ 400 – 600.000 đồng (trước đây mức phạt là 100 – 200.000 đồng); Trường hợp chủ xe là tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng (trong khi trước đây bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng).
Nghị định mới cũng nhấn mạnh, các phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký xe hoặc đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tải sản thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện.
Chỉ bị xử phạt trong 2 trường hợp:
Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.
Theo đó, hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy, ô tô chỉ bị xử phạt nếu được xác minh để phát hiện hành vi vi phạm trong 02 trường hợp:
- Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;
- Qua công tác đăng ký xe.
>>Xem thêm: Uống rượu, bia sau bao lâu thì có thể lái xe?