Có khá nhiều nổ ô tô đang di chuyển trên đường thì bất ngờ phát nổ, cháy. Dưới đây là những nguyên nhân chủ yếu.
Thời gian gần đây, có khá nhiều vụ ô tô đang di chuyển trên đường thì bất ngờ phát nổ. Hiện tượng này càng đáng lo ngại hơn khi liên tiếp xảy ra tại Việt Nam gây thiệt hại về người và tài sản.
Điển hình là cách đây không lâu một chiếc Mercedes lưu thông hướng từ cầu Thanh Trì đi Mai Dịch đến đoạn trường Đại học Thăng Long thì bất ngờ bốc khói mù mịt rồi cháy ngùn ngụt, rất may tài xế kịp mở cửa thoát thân ra ngoài.
Rồi mới đây, một chiếc Mitsubishi Xpander đang di chuyển trên địa phận thôn Rô, xã Cà Dy, huyện Nam Giang (Quảng Nam) bất ngờ phát nổ và bốc cháy dữ dội khiến 2 người ngồi trong xe tử vong.
Theo anh Hoàng Tiến, quản lý kỹ thuật tại một garage sửa chữa ô tô có tiếng tại Hà Nội, có khá nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến một chiếc ô tô bốc cháy khi đang di chuyển.
Nguyên dân thường gặp nhất đó là hệ thống điện trên chiếc xe bị chập, chất lượng dây điện kém dẫn đến chiếc xe có thể bốc cháy. Để dây điện không gây ra tia lửa điện thì quan trọng nhất là vỏ dây. Vỏ dây sử dụng trong ô tô phải đảm bảo chất lượng thì phải có khả năng chịu được va đập và không bị xăng, dầu ăn mòn.
Tiếp đến đó là rò rỉ xăng, hiện tượng này không hiếm, thậm chí còn xảy ra ở cả xe máy. Bởi lẽ khi xăng bị rò rỉ, chúng sẽ bay hơi trong không khí. Nếu xe đang di chuyển thì có thể gặp phải sự xuất hiện của tia lửa điện. Điều này rất có thể dễ dàng gây ra cháy nổ. Lý do khiến xăng bị rò rỉ chủ yếu là bởi vòng đệm của vòi phun bị lỗi, chức năng không còn đảm bảo khiến xăng thoát ra ngoài.
Thêm nữa, một nguyên nhân khiến ô tô cháy nổ tại Việt Nam mà ít người có thể ngờ tới xuất phát từ những túi nilon được vứt một cách bừa bãi ra đường. Nếu xe vô tình chạy ngang, túi nilong bị cuốn vào gầm máy, khi gặp nhiệt độ cao rất dễ bị nóng chảy và bắt cháy.
Cũng theo những chia sẻ của anh Tiến, một số nguyên nhân chủ quan có thể kể đến như nhiều chủ xe hiện nay thường có thói quen độ xe, lắp đặt thêm nhiều hệ thống đèn, điện. Trong khi đó các chủ xe lại sử dụng dây điện không chuyên dụng, những mối nối không kín rất dễ gây ra cháy nổ.
Một số tài xế còn có thói quen xe cất giữ những loại vật dụng dễ phát nổ trong xe như sạc pin dự phòng, đèn pin điện, nước hoa… Ngoài ra, có một vài nguyên nhân khác có thể dẫn đến cháy nổ xe như chất lượng của nhiên liệu kém, chảy dầu trợ lực lái... hoặc thậm chí do lỗi của nhà sản xuất.
>>Xem thêm: Kỹ sư Lê Văn Tạch: Vụ xe Xpander phát nổ có thể do cụm bơm và bình xăng