Tờ New Strait Times của Malaysia đã công bố bản kế hoạch chi tiết cho thấy tham vọng đưa nước này trở thành cường quốc bóng đá châu Á.
Tờ New Strait Times đã đăng tải bài viết về việc LĐBĐ Malaysia đang ôm dự định lớn nhằm thay đổi toàn diện nền bóng đá. Chương trình này mang tên Malaysia Way đi theo lộ trình F:30, biến Malaysia thành cường quốc bóng đá châu Á năm 2030.
Trọng tâm của chương trình là xây dựng một nền bóng đá có lối chơi thuần nhất, xuyên suốt từ lứa trẻ cho đến cấp độ cao nhất (ĐTQG), gọi nôm na là các ĐT bóng đá Malaysia sẽ chung 1 DNA chơi bóng giống nhau.
Các tuyển thủ Malaysia sau này sẽ được định hình lối chơi ngay từ khi chập chững bước vào đào tạo bóng đá chuyên nghiệp. Ý tưởng này xuất phát từ Giám đốc điều hành Peter De Roon (Hà Lan) và chính thức áp dụng từ đầu năm 2019.
Chương trình gồm 4 quá trình quan trọng trong trận đấu: kiểm soát bóng, chuyển đổi trạng thái khi mất bóng, làm gì khi không có bóng và chuyển đổi trạng thái khi giành được bóng.
Phương pháp xây dựng sẽ tập trung vào 4 giai đoạn phát triển gồm: giai đoạn khám phá tiềm năng (5-8 tuổi), phát triển kỹ năng (9-12 tuổi), thực hành trên các trận đấu (13-16 tuổi), và nâng cao hiệu suất (17 tuổi trở lên).
Kế hoạch xây dựng DNA cho bóng đá Malaysia nhấn mạnh đội hình được sử dụng chính là 4-3-3 và các biến thể của nó. Đây là chiến thuật mà bóng đá tấn công tổng lực Hà Lan thường sử dụng. Giám đốc kỹ thuật Peter De Roon là người Hà Lan nên ảnh hưởng lớn từ phong cách chơi bóng này.
“Trong bóng đá, chúng ta không thể chờ đợi mọi thứ xảy ra, mà phải suy nghĩ trước. Đó là về phương pháp chơi bóng, phong cách chơi, cách chúng ta nói chuyện với các cầu thủ trẻ”, Peter de Roo chia sẻ.
Ở AFF Cup 2018, Malaysia chơi bóng đá tấn công với thời lượng kiểm soát bóng lớn. Tuy nhiên họ vẫn thất bại trước Việt Nam ở chung kết. Nhưng FAM tin rằng chương trình Malaysia Way phù hợp với cách chơi mà bóng đá nước này theo đuổi nên đã tin tưởng và áp dụng.