Thể Thao 247 - Từ thế giới của sách vở và máy tính, võ thuật đã đưa David Lapetina, giám đốc chi nhánh một công ty phần mềm tại Việt Nam, trở thành một trong các HLV Jiu-jitsu đang hoạt động tích cực tại Hà Nội. Và chắc hẳn, con đường và tâm huyết của anh chàng người Pháp này trong công cuộc truyền bá Jiu-jitsu sẽ khiến bạn cảm thấy bất ngờ vì sự tương đồng với câu chuyện bản thân mình.
Tập võ để “giảm cân”
David Lapetina - hiện đang là giám đốc chi nhánh một công ty phần mềm của Pháp tại Việt Nam, đồng thời là HLV Brazilian Jiu-jitsu tại CLB Agoge Hà Nội. Dù đang ở độ tuổi “tứ tuần”, lại là một người làm công việc văn phòng, ít ai nghĩ rằng David lại dành tình yêu lớn với việc tập luyện và truyền bá võ thuật.
Tiếp cận với võ khá muộn khi ở tuổi 30, độ tuổi mà người ta thường chỉ tìm đến thể thao với nhu cầu “vớt vát” lại chút gì đó từ năng động của tuổi trẻ, David Lapetina cũng không phải ngoại lệ.
Khi còn nhỏ, cũng như nhiều học sinh trong trường, anh tham gia những môn thể thao như bóng rổ, ném lao … Nhưng chúng không thực sự làm anh thích thú lắm, anh chia sẻ: “Môn võ phát triển nhất tại Pháp lúc đó là Judo với hơn nửa triệu người tập luyện, ngoài ra có Boxing với con số 45 nghìn người, ít hơn rất nhiều so với các môn thể thao khác. Thời điểm đó, nếu không có ai trong gia đình hoặc quen biết ai tham gia tập luyện võ thuật, thật khó để có thể có thông tin về chúng. Tất nhiên qua những bộ phim của Bruce Leel Jackie Chan hay Van Damme, tôi cũng từng mơ ước tới việc sẽ tham gia các lớp Vịnh Xuân hoặc Karate, Muay Thái, nhưng điều đó chỉ dừng lại ở việc tưởng tượng. Lúc ấy, mọi thứ không dễ dàng như việc lên mạng và “google” như bây giờ …”
“...Lúc ấy, trong những kì Olympic, các trận đấu Judo đã thu hút tôi nhưng hơn hết là Freestyle Wrestling bởi sự khốc liệt, tôi bị ấn tượng bởi tinh thần của các võ sĩ, luôn luôn chiến đấu và không bao giờ chịu khuất phục. Qua TV, tôi cũng có cơ hội tìm hiểu những trận đấu Muay bởi tính hiệu quả và thực tế của môn võ này. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại sau màn ảnh TV …” - David Lapetina nói thêm.
Tới năm 19 tuổi, tập trung vào việc học tại trường ĐH, David dừng việc tập luyện thể thao. Đến khi đi làm, anh trở thành một “geek” - những người chỉ biết đến thế giới công nghệ và làm việc. Anh duy trì những thói quen xấu cũng như không để ý tới sức khỏe của mình, có lúc, David đạt mức 98kg khi chỉ cao 1m80. Gặp phải các vấn đề về sức khỏe, anh thử tập luyện bằng cách chạy bộ nhưng cũng không hiệu quả. Nhớ lại những hình ảnh khi còn nhỏ, David quyết định tìm đến một lớp Muay Thái, bước chân vào một môi trường hoàn toàn khác thời đại học và ở cơ quan, cảm nhận sau buổi tập đầu tiên khiến anh nhớ mãi tới tận bây giờ:
“Bạn hãy tưởng tượng, một gã mọt vi tính mập mạp, bước vào một phòng gym, nhìn những cậu trai nhỏ hơn mình đến chục tuổi, tới từ các vùng ngoại ô Paris, khỏe mạnh cân đối, đấm bao như thể cả cuộc sống của họ đặt vào đó. Hết buổi tập, tôi trở về nhà, ngồi bệt trên chiếc ghế bành, toàn thân rã rời và mặt thì cắt không còn giọt máu. Nhưng kì lạ thay, tôi không hề cảm thấy khó chịu mà lại rất hài lòng …”
Tiếp tục tập luyện thêm 3 tháng, David giảm được 12kg từ con số 98kg, đó là thời điểm năm 2008, dần lấy lại sức khỏe, sự tự tin và kiểm soát được cân nặng của mình. Anh bắt đầu tập thêm Wrestling và 2 năm sau đó là MMA, “dường như việc tập luyện đã trở thành sự khám phá”, anh chia sẻ, “Rõ ràng, vấn đề không chỉ ở tuổi tác hay sức mạnh, MMA không chỉ là việc đấm vào mặt đối thủ, tôi nhận ra điều đó khi thấy 1 gã nhỏ con hơn bị đè xuống sàn, thoát được và chiếm ngược lại thế chủ động…”. David bắt đầu chú tâm hơn tới grappling - những môn võ khóa siết, và một người bạn tập đã giới thiệu anh tới BJJ, tin chắc rằng một người yêu khoa học như anh sẽ thích nó. Quả thật, sau khi làm quen với BJJ, David cảm thấy đây là môn võ thực sự dành cho anh và chuyển hẳn sang tập luyện môn nghệ thuật tới từ Brazil này.
BJJ và sự gắn bó với môn võ từ Brazil
Về BJJ, như một gã “geek” chính hiệu, sự khoa học và tính thực tế của môn võ này đã cuốn hút David từ những ngày đầu tập luyện. “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã là đứa trẻ của khoa học, muốn tôi tin 1 điều gì đó, rất đơn giản, bạn hãy chứng minh nó trong thực tế. Và với BJJ, 2 yếu tố lý thuyết - thực tế có thể kiểm chứng rất rõ ràng”. Một ví dụ vui mà David nhắc đến khi nói về quan điểm này của anh “khi nhắc đến “Điểm huyệt”, hay bất kì hình thức “điện giật” có khả năng vô hiệu hóa đối thủ ngay tức khắc, tôi muốn nhìn thấy nó trong những tình huống thực tế, chứ không phải các học viên của họ nói rằng thầy của họ có thể làm được điều đó”. Với BJJ, tính thực tế này rất dễ kiểm chứng, khi mỗi buổi tập bạn đều có cơ hội kiểm tra các kĩ thuật, xem chúng thực sự có hiệu quả và khả thi hay không.
Trong BJJ, môn võ liên kết chặt chẽ giữa vật lý và sinh lý học cơ thể người, việc chống trả bằng sức lực thực sự không mấy hiệu quả. Đặc biệt khi bạn không có nhiều không gian để tự do di chuyển, lúc nào cũng gắn với đối phương và chịu áp lực từ họ. Việc hiểu được các nguyên lý chuyển động rất quan trọng, David mô tả “Trong cuốn “The Spirit of Zen, Jiu-jitsu về bản chất mang tính Thiền đạo. Giống như dòng nước, khi bạn cố níu giữ chúng, chúng sẽ thoát khỏi tay bạn, không phải dòng nước có thể làm vậy, mà chính là áp lực từ đôi tay. Ngược lại, nếu ai đó nhảy từ trên cao với góc độ không hợp lí, mặt nước lúc này vững chắc như bê tông, tất nhiên anh chàng kia sẽ phải trả giá vì sai lầm đó … Trong cuộc sống cũng vậy, thay vì cố gắng kiểm soát mọi thứ, hãy thuật theo chúng, vì thế những VĐV lướt sóng thường là các võ sĩ Jiu-jitsu giỏi nhất, bởi họ biết cách để mọi thứ trôi đi và thuận theo những cơn sóng…”
Hơn nữa, sự vô tận trong các đòn thế, khả năng thoát hiểm và tấn công của BJJ cũng là mang lại ảnh hưởng tốt, đó là sự khiêm tốn. Mỗi khi học được một kĩ thuật mới, bạn sẽ nhận ra dù có giỏi đến đâu thì mình vẫn có thể tiếp nhận thêm, hiểu biết trong BJJ là vô hạn. Vì thế David nhận ra, BJJ là một thế giới để mình khám phá, hoàn thiện những gì vốn có và phát triển kĩ năng bản thân.
BJJ cũng rất phù hợp với mọi lứa tuổi và tất các mọi người. Vì không có các va chạm, tất nhiên, chấn thương là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng khi sau buổi tập, thức dậy và đến cơ quan với một vài vết bầm trên mắt. Với cá nhân David, anh muốn một môn võ có tính thực tế, trải nghiệm nhưng cũng đề cao sự an toàn, vì thế BJJ là một lựa chọn rất phù hợp.
Cũng từng tham gia thi đấu, nhưng David không quá quan trọng những tấm huy chương hay vinh quang mà chúng mang lại - “trên hết đó là sự cố gắng tôi đặt vào mỗi trận đấu”. Trong trận đấu, với các đấu thủ, họ luôn có điểm tốt hơn tôi và lúc đó, với tôi, họ lại là những người bạn thân nhất, bởi - lúc đó họ đang giúp tôi mài giũa các kĩ năng cá nhân của mình.
Có thể nói, võ thuật và BJJ đã đem đến cho David Lapetina một cuộc sống tích cực hơn, không chỉ là lợi ích về sức khỏe và tinh thần, mà còn là những mối quan hệ xã hội, chính anh cũng công nhận “Võ thuật là một thế giới vô cùng rộng lớn và cởi mở, lần đầu tiên đến phòng tập, tôi được chào đón bởi các HLV và bạn tập, những người bạn tôi vẫn giữ liên lạc cho tới tận bây giờ. Trong hành trình đó, tôi cũng có cơ hội gặp những người bạn rất tuyệt vời, điều mà trước đó tôi chưa bao giờ có được…”