Thể Thao 247 - Không chỉ dựa trên một lịch sử thần tốc và có ảnh hưởng cực kì lớn tới MMA, Brazilian Jiu-jitsu còn xây dựng được một văn hóa tập luyện rất riêng, vừa thể hiện sự tự do nhưng cũng rất kỷ luật và chặt chẽ trong quy trình đánh giá. Có lẽ, sự hài hòa đó đã thu hút đông đảo thành viên tham gia luyện tập đến như vậy.
Brazilian Jiu-jitsu là sự phát triển không ngừng
Như đã nhắc tới trong phần 1, việc liên tục tham gia các trận đấu với các môn võ khác từ khi mới thành lập giúp Brazilian Jiu-jitsu (BJJ) có khả năng thích nghi với sự thay đổi cực kì tốt. Từ Wrestling, Judo, Boxing … cho tới Luta Livre, BJJ không ngần ngại giao lưu và tiếp nhận các kĩ thuật hữu ích.
Từ Gracie Challenge cho tới UFC thời kì đầu, nhà Gracie luôn tạo điều kiện để các võ sĩ có cơ hội sử dụng hết các vũ khí, thậm chí là sử dụng các đòn phi thể thao (móc mắt, đánh hạ bộ, …) để cho thấy rằng, việc xây dựng hệ thống kĩ thuật vững chắc chính là chìa khóa để một môn võ phát triển.
Trong BJJ, việc “tìm điểm yếu” và sẵn sàng “đập bỏ” cái cũ cũng được chào đón, một kĩ thuật có thể bị tìm ra điểm yếu và thay thế ngay lập tức, hay những kĩ thuật mới có hiệu quả cũng sẽ được cập nhật cực kì nhanh.
Và kể cả khi MMA chính thức trở thành một môn thể thao phổ biến, luật lệ chặt chẽ và nhiều yêu cầu hơn, BJJ cũng vẫn phù hợp với việc luân phiên tập luyện giữa Gi (có võ phục) và No Gi (không võ phục). Các kĩ chiến thuật mới cũng được cập nhật để thích ứng với môi trường khắc nghiệt của MMA. Ngoài ra, võ sĩ có thể không thường sử dụng BJJ để kết thúc đối phương, nhưng nền tảng có được từ BJJ giúp họ rất nhiều trong các trận đấu, điển hình là những Anderson Silva, Jose Aldo, Geogre St Piere, BJ Penn, …
Cho đến thời điểm hiện tại, BJJ không còn thống trị trên sàn MMA, nhưng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng và tư duy thay đổi để thích nghi từ BJJ đã ăn sâu vào bất cứ võ sĩ MMA nào.
Văn hóa tập luyện và giao lưu
Như một “thanh niên thế hệ mới” trong làng võ, BJJ có tính mở rất cao và chính điều này đã thu hút không ít người tìm hiểu môn võ này.
Từ việc cập nhật kĩ thuật mới, chúng ta có những đòn thế đa dạng, từ tên gọi của người sáng lập như D’Arce choke, Ezekiel choke, Marcelotine, … hay những biến thể của các tên gọi khoa học như Omoplata, Gogoplata, … một đặc trưng rất thú vị.
Và nói đến sự tự do, không thể không kể đến võ phục, ở các môn võ khác, võ phục thường chỉ xuất hiện 1 đến 2 màu và võ sinh phải giữ nguyên màu sắc đó. Thì với BJJ, võ phục thể hiện cá tính của người tập, bạn có thể gắn lên đó những logo mà mình muốn, và thậm chí màu sắc cũng rất đa dạng.
Tuy nhiên không vì sự tự do mà BJJ thiếu đi tính kỷ luật trong tập luyện và chặt chẽ trong quá trình đánh giá võ sinh, 3 yếu tố trên vừa tạo nên sự thoải mái lẫn tinh thần nghiêm túc cho võ sĩ. Từ động tác cúi chào huấn luyện viên, cái chạm tay khi bước vào đấu, những cử chỉ rất nhỏ nhưng luôn xuất hiện trong mỗi buổi tập thể hiện văn hóa rất riêng của môn võ này.
Tính chặt chẽ có thể nhìn thấy rõ nhất trong quá trình lên đai của BJJ, không hình thức biểu diễn, không cần tính hình ảnh, việc lấy kĩ năng thực tế để đánh giá võ sinh đã là chuẩn mực của BJJ từ khi mới bắt đầu. Có thể nói, hiếm có môn võ nào lên đai khó như BJJ, thậm chí là từng bậc trong một màu đai, chính vì thế, màu đai cũng phản ánh rất sát với khả năng thể hiện kĩ thuật của các võ sĩ (tất nhiên, khả năng thi đấu còn phụ thuộc thời gian ở mức đai và cường độ tập luyện khi đem lên bàn cân so sánh).