Thể Thao 247 - Lãnh đạo trung tâm bóng đá Viettel đã có chia sẻ bất ngờ về chuyện đi xin học văn hóa cho lứa trung vệ Bùi Tiến Dũng.
Sau thành công của U23 Việt Nam tại VCK châu Á tháng 1 vừa qua, bóng đá Việt Nam đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội. Kéo theo đó là những khoản đầu tư từ các doanh nghiệp đã giúp giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp lên rất nhiều.
Tuy nhiên đó mới chỉ là góc nhìn khi đã thành công, trước khi có được chiến tích lịch sử ấy lứa U23 đã phải trải qua rất nhiều vất vả. Trong đó, lứa trung vệ Bùi Tiến Dũng của Viettel từng gặp nhiều khó khăn để xin học văn hóa.
Cụ thể, tại cuộc tọa đàm "Vấn đề đào tạo, quản lý, sử dụng và những chính sách cho VĐV thể thao thành tích cao", ông Hà Hữu Tám - phó giám đốc Trung tâm thể thao Viettel đã chia sẻ về câu chuyện đi xin học cho lứa Bùi Tiến Dũng và nhận được những câu trả lời bất ngờ.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Hữu Tám chia sẻ: "Thành tích của tuyển U23 Việt Nam hôm nay phải ghi nhận sự đóng góp của các CLB. Nếu không có các CLB đầu tư hàng chục năm qua thì không có thế hệ cầu thủ ngày nay. Các cầu thủ Viettel được tuyển chọn đào tạo khi mới 11 tuổi. Suốt 3 tháng đầu tập trung, HLV, cán bộ quản lý đêm nào cũng phải nằm ngủ để chăm sóc, dỗ các cháu.
Học bóng đá đã vất vả, chuyện học văn hóa cho cầu thủ còn gian nan hơn rất nhiều. Năm 2012, lứa trung vệ Bùi Tiến Dũng chuyển học văn hóa từ quận Nam Từ Liêm về quận Đống Đa (Hà Nội) tôi phải đi 7 lần gặp các hiệu trưởng để xin học cho các em. Lúc đi tôi phải mặc quân phục chỉnh tề và hết lời để mong các trường nhận các em vào học nhưng lần lượt bị từ chối. Có hiệu trưởng nói với tôi: VĐV của em phát triển chân tay nhưng đầu óc không phát triển".
Câu chuyện xin học văn hóa tại các lò đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam những năm trước đây không mới, bởi những bất cập trong cơ chế quản lý giáo dục. Chính vì thế trong buổi tọa đàm này, phần đông ý kiến cho rằng phải tạo điều kiện cho VĐV đến trường.
Một trong những lò làm rất tốt việc học văn hóa của cầu thủ là học viện HAGL JMG. Cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai học ở trường dành riêng cho học viên JMG. Họ cũng phải học nhiều tiếng Anh ngoài các giờ học chính quy. Học viên HAGL-JMG được tuyển thẳng vào Đại học sư phạm thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Họ hiện đang theo học ở cơ sở đào tạo của trường này mới lập tại Gia Lai.