Thể Thao 247 - Thị trường ô tô nhập khẩu đang được định hình lại trước những biến động về chính sách nhập khẩu xe.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đắt tiền (Pháp, Đức, Thụy Điển…) đang quy tụ tại Triển lãm ô tô quốc tế 2017 (VIMS 2017) trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam sắp bước vào giai đoạn bùng nổ. Thị trường xe bình dân nhập khẩu cũng đang được định hình lại trước những biến động về chính sách nhập khẩu xe.
Sân chơi mới cho xe sang nhập khẩu
Trong khi thị trường xe giá rẻ nhập khẩu đang có những biến động mạnh về giá bán và sản lượng tiêu thụ thì các dòng xe sang vẫn lặng lẽ, âm thầm với phân khúc riêng của mình. Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Đức và Anh đại đa số đều mang các thương hiệu hạng sang hoặc siêu xe như: Audi, BMW, Mercedes-Benz, Land Rover, Jaguar hay Bentley… Điều dễ thấy là những mẫu xe sang nhập khẩu thường không công bố doanh số và giá nhập khẩu về Việt Nam. Điều này đã dấy lên những nghi vấn về sự minh bạch, khai báo thuế. Vì vậy giá xe sang nhập về Việt Nam thường chỉ là thông tin tổng hợp từ cơ quan hải quan. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, giá xe bình quân nhập từ Pháp về Việt Nam thuộc nhóm đắt nhất với khoảng 156.000 USD/chiếc (tương đương khoảng 3,5 tỷ đồng/chiếc); tiếp đó là xe Anh với 62.500 USD/chiếc; Đức với 60.200 USD/chiếc; Nga với 45.339 USD/chiếc.
Theo nhận định, xe châu Âu bán tại Việt Nam thường có giá cao do thuế suất thuế nhập khẩu và tiêu chuẩn cao. Thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ châu Âu về Việt Nam hiện nay từ 55-70% tùy loại, không được giảm vào năm 2018. Trong khi xe nhập từ ASEAN về được giảm thuế về 0% nên dự đoán xe sang nhập khẩu sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với các dòng xe nhập khẩu nội khối.
Nhận định về tình hình của các dòng xe cao cấp, đại diện Mercedes-Benz Việt Nam cho rằng, về nguyên lý khi quy mô thị trường lớn lên thì tất cả các dòng xe đều có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, với những quy định về điều kiện kinh doanh ô tô vừa được ban hành (Nghị định 116) như: Phải có giấy ủy quyền triệu hồi của nhà sản xuất, kiểm tra theo lô thay vì theo mẫu… doanh nghiệp nhập khẩu ô tô sẽ gặp những khó khăn.
Tuy nhiên, ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Audi Việt Nam lại có góc nhìn lạc quan hơn: “Tuy còn phải tiếp tục theo dõi việc triển khai cụ thể nhưng theo tôi, với những điều kiện vừa được đưa ra sẽ đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Nghị định này sẽ là một sân chơi bình đẳng, công bằng giữa các đơn vị nhập khẩu”.
Nhận định về thị trường xe cao cấp nhập khẩu khi thuế nhập khẩu xe trong khu vực về mức 0%, ông Trung cho rằng, hiện nay có khoảng 20 chủng loại xe được sản xuất, lắp ráp trong khu vực nhưng thực tế không phải mẫu xe nào cũng đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa nội khối (tỷ lệ 40%) và có đủ sản lượng để được hưởng thuế suất ưu đãi. Hơn nữa, các mẫu xe cao cấp được sản xuất, lắp ráp trong khu vực không nhiều. Nếu có thì giá thành cũng không thấp hơn nhiều so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Chính vì vậy sẽ không có nhiều biến động khi cạnh tranh.
Tại VIMS 2017 đang diễn ra tại TP HCM, Mercedes-Benz Việt Nam là doanh nghiệp nhập khẩu xe sang duy nhất từ trước tới nay công bố doanh số bán hàng. Theo đó, tính đến hết quý III/2017, doanh nghiệp này đã bán tới 4.300 xe, tăng trưởng đạt kỷ lục 40% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng đang kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh doanh số khi quy mô thị trường ngày càng lớn.
Đối với Audi, ông Trần Tấn Trung cũng cho biết, tuy là dòng xe kén khách, số lượng xe bán ra không cao nhưng trong những năm qua tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 2 con số và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ô tô cũ hết cửa về Việt Nam
Trong bối cảnh tất cả các nước trên thế giới đều có chính sách bảo hộ ô tô trong nước và đưa ra các tiêu chuẩn cao để bảo vệ người tiêu dùng, việc ban hành Nghị định 116 về điều kiện kinh doanh, sản xuất, lắp ráp ô tô với nhiều hàng rào kỹ thuật với xe nhập khẩu được coi là giải pháp để bảo đảm lợi ích của quốc gia, tạo cho nền công nghiệp ô tô trong nước phát triển. Theo nhận định, với những quy định về cơ sở bảo hành bảo dưỡng, phải có giấy ủy quyền triệu hồi xe của nhà sản xuất và kiểm tra theo lô xe nhập khẩu… là những hàng rào cần thiết để nâng “chất” cho thị trường nhưng cũng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ lẻ và xe cũ khó có cửa về Việt Nam.
Anh Hà Minh Tú, một người kinh doanh ô tô trên phố Dương Đình Nghệ (Hà Nội) cho biết, quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam là không thể đối với những doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính hãng (nhập khẩu tư nhân) bao gồm cả nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng. “Ô tô cũ đã qua sử dụng nhập khẩu về phải có thời hạn bảo hành tối thiểu 2 năm hoặc 50.000km đối với ô tô con là điều mà từ trước đến nay gần như không có đại lý kinh doanh ô tô cũ nhập khẩu tư nhân nào làm được”, anh Tú chia sẻ.
Một chủ showroom nhập khẩu ô tô tư nhân khác tại Hà Nội cũng bày tỏ: “Với quy định như vậy, ô tô nhập khẩu không còn cửa về Việt Nam”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, đây là quy định cần thiết trong bối cảnh thị trường ô tô trong nước đang phát triển. Vì thế, xe nhập khẩu cũng phải được chăm sóc trong suốt vòng đời sử dụng chứ không chỉ đưa về bán cho người tiêu dùng là bên bán hết trách nhiệm. Người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi được dùng hàng chính hãng và hưởng các dịch vụ hậu mãi.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, những điều kiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô vừa được ban hành theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Quy định về việc doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng và bảo hành xe kể cả chưa qua sử dụng lẫn đã qua sử dụng khi bán ra cho khách hàng cho thấy rõ điều đó. “Những điều kiện tại Nghị định 116 cũng đã siết chặt hoạt động kinh doanh ô tô nhập khẩu tại Việt Nam hiện nay nhưng cũng có những quy định buộc doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước phải thích nghi để đáp ứng”, ông Long cho biết.