Thể Thao 247 - “Chỉ sau một đêm tôi mất gần 200 triệu!”, một vị khách hàng vài hôm trước vừa vui mừng rước một chiếc Honda CR-V 2.4TG với giá 1,028 tỉ đồng và những tưởng được lời hơn những người mua trước 120 triệu cay đắng thốt lên khi biết tin mẫu xe này mới hạ giá tiếp 160 triệu, nâng tổng số tiền mất giá trong chưa đầy 4 tháng lên 280 triệu đồng.
Nhiều người tự hỏi thị trường ôtô Việt Nam đang loạn hay nhà phân phối ra chiêu trò sau khi đã ăn quá dày trong nhiều năm?
Giá ôtô ở Việt Nam là giá ảo?
Theo khảo sát của PV tại TPHCM và Hà Nội, trong thời gian gần đây, mẫu crossover 5 chỗ của Honda nổi lên như một “hiện tượng” khi liên tục thay giá bán từ giá niêm yết tới giá thực cho người tiêu dùng.
Theo đó, giá niêm yết dòng xe này thay đổi tới 3-4 lần dưới nhiều hình thức, lúc dưới dạng gián tiếp thông qua các khoản hỗ trợ tiền mặt, lúc trực tiếp khi hạ thẳng giá niêm yết.
Một số nhân viên bán hàng thậm chí còn rao giá thấp “không tưởng” từ 730 - 760 triệu đồng cho bản 2.0 tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi khách đến mua, giá xe lại khéo léo được đẩy lên với lý do giá 730 triệu chỉ dành cho sếp của các đại lý bán xe máy của Honda. Có khách hàng nhanh chân chốt được giá tốt, xuống cọc rồi ngã ngửa khi nhân viên bán hàng thông báo hết xe và gạ mua phiên bản cao hơn hoặc thêm tiền mua phụ kiện còn không thì chấp nhận mang tiền cọc về.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, các khách hàng thông thường gần như không thể mua được giá như quảng cáo và cũng ít người được tặng kèm xe tay ga như chương trình khuyến mãi với lý do phiên bản mua tặng kèm xe có số lượng hạn chế và đã bán hết. Trong khi khách hàng chưng hửng, nhà phân phối nhanh chóng đẩy được hết hàng tồn và người mua xe từ trước thì “khóc” khi thấy xe vừa mua đã mất giá cả trăm triệu đồng.
Trên thực tế, câu chuyện na ná như với mẫu Honda CR-V không phải là hiếm bởi từ khá lâu giá xe tại Việt Nam đã “trôi nổi” và không ai biết giá thực của một chiếc ôtô như thế nào.
Trước đây, khi thị trường chưa đóng cửa với xe nhập ngoài, giá ôtô chính hãng và không chính hãng chênh nhau hàng trăm triệu đồng dù xe nhập không chính hãng trang bị “ngon hơn”. Tới nay, ôtô nhập ngoài gần như đã hết cửa, ôtô chính hãng tự “chiến đấu” giành thị phần của nhau, giá xe vẫn là một ma trận.
Anh T.Long, một nhân viên sale có 10 năm lăn lộn tại 2-3 hãng xe lớn, cho biết, ngày trước thời cao điểm chạy thuế, giá xe bị thổi lên bằng nhiều cách vì khách hàng tranh nhau mua, ngày nay thuế sắp giảm, khách chùng chình chưa muốn xuống tiền nên sale nào cũng tìm cách “cắt chiết khấu” để thêm doanh số.
“Bình thường một chiếc xe khi xuống đại lý đã có vài chục, thậm chí cả trăm triệu tiền hoa hồng cho khâu phân phối nên tuỳ vào tình trạng thị trường mà số tiền hoa hồng kia được cắt vào giá. Đợt rồi, xe ế, để tồn trong kho vừa tốn tiền bến bãi vừa kẹt vốn nên các đại lý chấp nhận cắt phần lớn lãi để đẩy hàng cho nhanh nên mới có cảnh xe mỗi ngày 1 giá. Còn lãi của các hãng xe thì chỉ họ mới biết” - anh Long bình luận.
Giá xe lao dốc vì không còn cơ hội “ăn dày”?
Hiện nay không dễ để đưa ra những con số lợi nhuận trên mỗi đầu xe bán ra trên thị trường bởi thông số đầu vào từ giá nhập khai báo tại hải quan với xe nhập nguyên chiếc tới giá vốn để tạo ra sản phẩm với xe lắp ráp trong nước luôn trong vòng bí ẩn. Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên là giá xe tại Việt Nam đắt gấp 2-3 lần, thậm chí 4 lần giá bán sau thuế tại các thị trường nước ngoài.
Các nhà sản xuất và phân phối luôn lấy lý do xe đắt vì thuế nhiều nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng người tiêu dùng Việt Nam đang chịu mức giá cao đến phi lý và ngay cả khi đã giảm giá mạnh, các hãng xe vẫn có lợi nhuận. Lợi nhuận của các hãng chỉ ít đi chứ không thua lỗ”.
Cũng lý giải về câu chuyện không lỗ của các hãng xe, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng đó là chiêu trò điều chỉnh giá với mức cao khi sản phẩm vừa ra đang hút khách, rồi hạ dần để giữ chân khách và cộng trung bình lại thì đều có lãi.
Một số chuyên gia cho rằng, tâm lý chờ thuế giảm của khách hàng khiến sức mua giảm, từ đó buộc các hãng phải bớt lãi đẩy hàng tồn và kéo mặt bằng giá trên thị trường từ trên trời xuống gần đất hơn. Tuy nhiên, nhận định đó chỉ là chiêu xử lý tình huống khi xe quá ế và chuẩn bị cho các phiên bản mới, còn sau năm 2018, với những thay đổi về thuế phí chắc gì mặt bằng giá sẽ hạ tiếp.
Công bằng mà nói, ban đầu cuộc chiến giá được khởi động bởi nhà sản xuất xe trong nước Trường Hải với lý do xe sản xuất càng nhiều giá càng tốt và để lấn thị phần của các liên doanh nước ngoài. Và khi thị trường lao dốc, không hãng xe nào có thể đứng ngoài cuộc đua giảm giá và dường như người tiêu dùng càng “cành cao”, giá xe sẽ càng hạ.
Do đó, có lẽ đã đến lúc người tiêu dùng thay đổi thói quen nhìn nhận với xe hơi bởi đó cơ bản là phương tiện đi lại chứ không hẳn là một dạng tài sản đảm bảo với trị giá ổn định và thay vì chấp nhận bỏ chi phí mềm chỉ để lấy xe sớm như trước đây, cách tiêu dùng thông thái sẽ khiến giá xe bớt trên trời và nhà sản xuất khó tiếp tục “ăn dày”.
Cơ cấu giá xe tại Việt Nam Về nguyên tắc giá niêm yết của xe lắp ráp ở Việt Nam được cấu thành từ giá vốn, thuế TTĐB, thuế VAT và chi phí bán hàng. Còn giá xe nhập nguyên chiếc là tổng của giá CIF, các loại thuế từ nhập khẩu, TTĐB, VAT với chi phí bán hàng. Trong đó, chi phí bán hàng sẽ gồm các chi phí vận hành hệ thống bán hàng, marketing, quản trị, lợi nhuận doanh nghiệp. Theo các chuyên gia trong ngành, mức lợi nhuận của đại lý thường ở khoảng 5%-10% giá xe. Tức nếu xe 1 tỉ, đại lý lãi 50 -100 triệu đồng. Con số này cũng có thể thay đổi phụ thuộc nhiều yếu tố như chính sách bán hàng từng hãng, sức hút của mỗi mẫu xe trên thị trường, thời điểm bán xe... * Còn trao đổi ngoài lề với phóng viên, ông Lâm Chí Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam - cho rằng, câu chuyện giá xe CR-V rất đơn giản vì họ muốn đẩy hết hàng tồn trước khi ra mắt phiên bản mới nên giá có phần “điên đảo” trong vài ngày, nhưng chiêu bài này là con dao hai lưỡi khiến thương hiệu bị rẻ rúng và người tiêu dùng bị tổn thương. |
Theo: Laodong