Thể Thao 247 - Với việc thuế nhập khẩu ô tô khu vực ASEAN giảm mạnh, cùng với sự cạnh tranh lớn về chất lượng, các hãng liên tục "nhập" về Việt Nam các mẫu xe được lắp ráp tại nước ngoài khiến làn sóng xe nhập đang dâng cao hơn bao giờ hết.
Nhiều năm qua chỉ có thuế nhập khẩu xe bán tải được ưu đãi vì thế tất cả các xe bán tải phổ biến đang bán trên thị trường Việt Nam như Ford Ranger, Mazda BT-50, Chevrolet Colorado, Isuzu D-Max hay Mitsubishi Triton đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN.
Thế nhưng 2 năm trở lại đây, do hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN ngày càng giảm, từ mức 50% năm 2015 xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018, ô tô nhập khẩu từ khu vực này ngày càng nhiều và nhiều mẫu xe đang được sản xuất lắp ráp trong nước cũng được chuyển sang nhập khẩu.
Ví dụ như Ford Everest đang có doanh số bán khá tốt khi lắp ráp trong nước cũng dừng lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu ở thế hệ mới, đồng thời định vị mẫu xe này cao hơn các xe 7 chỗ như Hyundai Santa Fe hay Kia Sorento. Ford còn đưa cả mẫu xe cao cấp Explorer nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ về Việt Nam.
Trong khi đó, Honda Civic lại không có doanh số đạt như kỳ vọng trong nhiều năm qua dù có bước khởi đầu như mơ những năm cuối của thập kỷ trước. Cuối năm 2016, Honda Việt Nam chính thức giới thiệu Civic thế hệ mới nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, chấm dứt những chuỗi ngày phiêu lưu lắp ráp trong nước. Thậm chí ngay cả mẫu Honda CR-V, mẫu crossover đang bán chạy thứ hai tại thị trường Việt Nam với doanh số năm qua hơn 5.000 xe, cũng bị dừng lắp ráp trong nước và chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc trong thời gian tới.
Bất ngờ nhất có lẽ là Toyota khi hãng xe Nhật chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc Fortuner từ Indonesia thay vì lắp ráp trong nước, dù doanh số bán trung bình của mẫu này ở mức rất cao, trên dưới 1.000 xe mỗi tháng.
Làn sóng xe nhập khẩu còn được thể hiện rõ năm 2016 tại các triển lãm xe trong nước, triển lãm xe nhập VIMS (triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam) không chỉ áp đảo VMS (triển lãm ô tô Việt Nam) về số lượng, quy mô dù chỉ mới triển khai được 2 năm mà còn hút được cả một trong những thành viên lớn của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) là Mercedes tham gia.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp ô tô thuộc VAMA, việc chuyển sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc là xu hướng tất yếu, khi lợi thế về thuế nhập khẩu thấp khiến cho xe nhập khẩu nguyên chiếc có sức cạnh tranh mạnh mẽ về giá cả, trong khi người tiêu dùng từ trước tới nay vẫn luôn có tâm lý chuộng xe nhập khẩu. Hơn nữa, việc đầu tư mở rộng sản xuất tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, khi các doanh nghiệp cho biết họ chưa nhận thấy sự ổn định về các chính sách liên quan đến ô tô, khuyến khích mạnh sản xuất lắp ráp, vì thế phương án nhập khẩu là an toàn, hiệu quả.
Việc lựa chọn giữa xe nhập hay xe lắp ráp trong nước là lựa chọn của các hãng xe hơi, điều mà người tiêu dùng được hưởng lợi nhất từ làn sóng nhập khẩu có lẽ là chất lượng của những chiếc xe sẽ được cải thiện hơn, nhận xét này có thể sẽ bị đánh giá là cảm tính "chuộng nhập", nhưng với những dây chuyền lớn hơn, trình độ lắp ráp cao hơn thì chất lượng của các sản phẩm đầu ra cao hơn cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên việc các hãng xe chuyển qua xu thế xe nhập sẽ đe dọa rất nhiều đến các nhà máy lắp ráp xe trong nước, rất nhiều người làm việc trong các nhà máy đó sẽ rất có thể thuộc diện bị "rút gọn".