Với thuế suất mới, hầu hết các hãng xe đang hiện diện tại Việt Nam đều sẽ chịu ảnh hưởng. Khác biệt là hãng xe nào sẽ phải vất vả “chống bão” nhất? Với tỷ lệ tăng thuế mạnh, giá bán lẻ của mỗi chiếc siêu xe kể từ ngày 1/7 sẽ tăng lên ít nhất 2 tỷ đồng.
Với tỷ lệ tăng thuế mạnh, giá bán lẻ của mỗi chiếc siêu xe kể từ ngày 1/7 sẽ tăng lên ít nhất 2 tỷ đồng.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016.
Theo đó, ngoại trừ các loại ôtô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) chở người dưới 10 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh động cơ từ 2.500 cm3 trở xuống không thay đổi hoặc giảm nhẹ, tất các cả loại xe còn lại (có dung tích xi-lanh từ trên 2.500 cm3) sẽ đều chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt mới theo hướng tăng lên.
Đáng chú ý là tỷ lệ tăng thuế suất sẽ lũy tiến theo dung tích xi-lanh động cơ và đỉnh điểm sẽ là mức thuế suất 150%, vượt xa mức thuế suất cao nhất hiện nay.
“Tâm bão” siêu xe
Với biểu thuế tiêu thụ đặc biệt mới, các thương hiệu siêu xe đương nhiên bị đẩy vào “tâm bão”. Không khó để nhận ra một thực tế, đại đa số các loại siêu xe đang có mặt tại Việt Nam đều phải chịu hai mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế mới là 130% và 150%. Một số ít siêu xe chịu mức thuế suất 110%.
Theo luật thuế mới, ôtô CBU có dung tích xi-lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3 sẽ có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 130%, xe có dung tích xi-lanh trên 6.000 cm3 sẽ có mức thuế suất 150%. Thuế suất hiện hành của các loại xe này đều đang ở mức 60%.
Ở nhóm siêu xe thể thao, đa số các mẫu xe đều có động cơ dung tích xi-lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3. Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt phổ biến áp dụng đối với nhóm xe này đều ở mức 130%. Với tỷ lệ tăng thuế mạnh, giá bán lẻ của mỗi chiếc xe kể từ ngày 1/7 sẽ tăng lên ít nhất 2 tỷ đồng. Mẫu xe nào có mức giá hiện hành càng cao thì tỷ lệ tăng giá càng mạnh nên có những mẫu xe thậm chí phải chịu mức tăng giá đến chục tỷ đồng.
Chẳng hạn, một số siêu xe trang bị động cơ V10 dung tích trên 5.000 cm3 như Lamborghini Huracan Avio hay Audi R8, theo mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 60%, mức giá bán lẻ sẽ dao động trong khoảng trên dưới 10 tỷ đồng với từng tùy chọn và từng thời điểm. Tuy nhiên, sau khi chịu mức thuế suất mới 130%, mức giá bán lẻ của hai mẫu xe này sẽ trên dưới 15 tỷ đồng, tức mức tăng giá sẽ dao động khoảng 4-6 tỷ đồng.
“Choáng váng” nhất chính là thương hiệu xe siêu sang đình đám Rolls-Royce. Nếu như các thương hiệu siêu xe khác như Lamborghini, Ferrari hay Bentley, mức tăng giá phổ biến là dưới 10 tỷ đồng mỗi chiếc thì với Rolls-Royce, do tất cả các mẫu xe đều trang bị động cơ trên 6.000 cm3 và dày đặc những công nghệ, vật liệu siêu cao cấp, mức tăng giá của mỗi chiếc xe đều từ trên 10 tỷ đồng.
Ví dụ mẫu xe được xem là “em út” trong gia đình Rolls-Royce là Ghost Series II EWB, mức tăng giá “khiêm tốn” nhất ở phiên bản English White - Seashell/Consort Red cũng đã trên 13 tỷ đồng, mức tăng giá ở phiên bản Diamond Black - Consort Red lên đến trên 16 tỷ đồng so với hiện tại.
Vậy nhưng, nhìn vào mức tăng giá do thuế của mẫu xe Phantom thì các mức tăng giá nêu trên xem ra cũng chỉ là “trò vui”. Theo tính toán, với mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt mới 150%, mức giá bán lẻ của Phantom Series II EWB phiên bản Đông A sẽ rơi vào khoảng trên 83 tỷ đồng. Mức giá bán lẻ hiện hành (tính theo thuế suất 60%) của chiếc xe này là trên 53 tỷ đồng.
Có nghĩa là, nếu mua một chiếc Rolls-Royce Phantom Series II EWB phiên bản Đông A từ thời điểm ngày 1/7/2016, người tiêu dùng sẽ phải chi thêm số tiền hơn 30 tỷ đồng so với trước đó. Số tiền chênh lệch này thậm chí dư thừa để mua một chiếc siêu sang Rolls-Royce khác là Ghost Series II EWB.
Xe sang mệt mỏi
Mặc dù phải chịu mức tăng giá “choáng váng” nhất nhưng theo một số đánh giá, các thương hiệu siêu xe lại ít “đau đầu” hơn so với các thương hiệu hạng sang hoặc xe thể thao ở mức độ thấp hơn.
Theo luồng ý kiến này, đối tượng khách hàng của các thương hiệu siêu xe hầu hết đều là giới siêu giàu và mục đích sử dụng xe cũng khác biệt nên số tiền chênh lệch (với tỷ lệ tương đương nhau) vì vậy cũng chưa phải là cản trở quá lớn như các thương hiệu hạng sang như Audi, BMW, Lexus, Mercedes-Benz, Land Rover, Jaguar hay cao hơn nữa là Porsche...
Trong nhóm thương hiệu này, nếu tính trên số tiền chênh lệch giá thì Porsche có lẽ là thương hiệu thiệt thòi nhiều nhất do hầu hết các mẫu xe đều sử dụng động cơ dung tích lớn. Song cũng giống như các loại siêu xe, Porsche cũng là một thương hiệu khác đặc biệt, với tính năng thể thao và được định vị ở phân khúc cao hơn, số tiền tăng giá do vậy cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng như các thương hiệu khác.
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, Mercedes-Benz và BMW là 2 thương hiệu có danh mục sản phẩm dày đặc nhất và số lượng mẫu xe thuộc diện tăng thuế cũng theo đó đông đảo hơn.
Tuy nhiên, có một đặc điểm chung ở các thương hiệu ôtô đến từ nước Đức, trong đó cần kể thêm đến Audi hay thấp hơn một chút là Volkswagens, công nghệ động cơ luôn được chú trọng theo xu hướng giảm dung tích xi-lanh động cơ nhưng vẫn duy trì hoặc thậm chí tăng thêm công suất vận hành.
Vì vậy, dù có danh mục sản phẩm dày đặc nhưng số lượng mẫu xe bị tăng giá quá lớn là không nhiều, ngoại trừ một vài mẫu xe đặc biệt được xếp vào nhóm siêu xe như Audi R8, Mercedes-Maybach S600 hay BMW i8.
Đơn cử trường hợp Mercedes-Benz. Trong danh mục sản phẩm dày đặc thì cũng chỉ có 3 mẫu xe phải chịu mức thuế suất mới 130% gồm siêu xe Mercedes-Maybach S600, dòng sedan thể thao S63 và S65 phiên bản độ AMG cùng mẫu xe mới nhất GLS 63 AMG.
Đáng chú ý là bên cạnh dòng sedan cao cấp S-Class thì đa số các mẫu xe bị tăng giá đều là xe thể thao đa dụng (SUV). Số mẫu xe còn lại đều có động cơ dung tích từ 2.000 cm3 trở xuống nên không thuộc diện tăng thuế, thậm chí một số mẫu xe như A-Class dù có công suất không hề nhỏ nhưng do động cơ dưới 2.000 cm3 nên còn thuộc diện giảm nhẹ thuế.
Ngược với các thương hiệu xe Đức chính là các thương hiệu hạng sang đến từ Nhật Bản, tiêu biểu là 2 thương hiệu đang được phân phối chính hãng gồm Lexus và Infiniti.
Đơn cử như Lexus, thương hiệu xe sang được người tiêu dùng Việt Nam đặc biệt ưa chuộng. Nhìn vào danh mục sản phẩm hiện tại có thể thấy ngay 3 cái tên không thuộc diện bị tăng thuế là NX200t, RX200t và ES250.
Mẫu xe NX200t cùng 2 phiên bản RX200t ES250 là quá ít ỏi, không thể cân bằng với hầu hết các mẫu xe còn lại đều sử dụng động cơ có dung tích xi-lanh từ 3.500 cm3 trở lên. Cá biệt là mẫu xe đa dụng cỡ lớn LX570 trang bị động cơ dung tích đến 5.700 cm3, từ ngày 1/7 sẽ bị đẩy giá bán lẻ lên hơn 2 tỷ đồng so với hiện nay, số tiền đủ để mua một chiếc Lexus khác như ES250 hay NX200t.
Có thể thấy rằng, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt không khác nào một cú “sốc nhiệt” đổ lên thị trường ôtô cao cấp và người tiêu dùng. Trong khi các hãng xe mệt mỏi với việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chạy đua với chính sách mới và tìm cách liệu cơm gắp mắm thì phía còn lại, người tiêu dùng buộc phải hạn chế mua và sử dụng các loại xe trang bị động cơ lớn.
Nhìn từ phía nhà quản lý, việc áp thuế cao nhằm hạn chế lưu hành các loại xe cỡ lớn được xem là một hàng rào kỹ thuật hữu hiệu để qua đó đạt được các mục tiêu vĩ mô hơn.
Nhìn từ phía các hãng xe và người tiêu dùng, chính sách thuế mới như một rào càn đối với sự phát triển của các phân khúc ôtô cao cấp và sử dụng động cơ lớn. Chắc chắn những khó khăn sẽ là không nhỏ.
Dẫu sao, việc điều chỉnh nhu cầu sử dụng sang các loại xe nhỏ hơn hoặc chấp nhận tăng thêm chi phí để sử dụng xe cỡ lớn cũng không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực. Và, với một thị trường ôtô vốn vẫn thường ẩn chứa nhiều sự khác lạ như Việt Nam, một tác động lớn chưa chắc sẽ tạo nên biến động lớn.